Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hội thảo "Phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi"

14:21, 04/05/2018

Trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 13 tổ chức tại Nghệ An, sáng nay (4/5), tại khách sạn Mường Thanh Sông Lam – thành phố Vinh đã diễn ra Hội thảo "Phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi" do Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) chủ trì.

Các đồng chí: Vũ Hải – Phó Tổng giám đốc; Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN; đông đảo các phóng viên, BTV, KTV các đài PT-TH, các trung tâm sản xuất PT-TH thuộc các Bộ, ban ngành trên cả nước.

Các đại biểu dự hội thảo.
Các đại biểu dự hội thảo.

Dẫn đề hội thảo, đồng chí Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thời sự đã nói về những cơ hội và thách thức của phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi. Khoa học công nghệ phát triển đã đặt ra cho các loại hình báo chí truyền thông nói chung, trong đó có phát thanh những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ.

a
Đồng chí Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Về cơ hội, sự thay đổi về công nghệ tạo điều kiện để thay đổi sản xuất chương trình phát thanh giúp người làm có điều kiện thay đổi kết cấu chương trình và phương thức làm việc phù hợp với yêu cầu chung và nhịp sống công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, khoa học công nghệ phát triển đã khiến cách tiếp cận thông tin của công chúng, trong đó có thính giả nghe đài thay đổi. Theo một báo cáo điều tra mới nhất, tại Việt Nam, có đến 73% người dưới 30 tuổi đều lấy thông tin từ mạng xã hội, truyền thông xã hội nhưng không nhận ra có thể lấy thông tin này qua radio. Còn với những người trung thành với radio, cách thức nghe đài cũng đã khác nhiều, không còn ngồi hàng giờ ở nhà nghe raido mà hầu hết đều nghe đài trong trạng thái di chuyển, nghe qua các thiết bị di động, nghe bất chợt và mong muốn mỗi khi bật kênh phát thanh yêu thích đều được nghe những thông tin mong muốn. Người nghe đài cũng giống như công chúng báo chí hiện nay, đang chuyển từ xu thế tiếp nhận thông tin một chiều sang tiếp nhận tương tác đa chiều.

Bên cạnh đó, vào năm 2020, công nghệ 5G sẽ bắt đầu được phủ sóng rộng rãi hơn, tốc độ internet tăng lên gấp 10 lần. Công nghệ số, công nghệ tương tác mobile, big-data sẽ mang đến những sản phẩm truyền thông trong tương lai và sự thay đổi còn tiếp tục.

Hội thảo “Phát thanh trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi” là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về những thách thức và giải pháp để phát triển phát thanh trong giai đoạn hiện nay.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần này vừa là ngày hội, là cuộc thi, vừa là dịp để những đồng nghiệp chia sẻ với nhau về thuận lợi, khó khăn trong công việc, từ đó bồi đắp, cập nhật những thông tin mới để tiếp tục công tác hiệu quả hơn.

Với nhiệm vụ của mình, Đài Tiếng nói Việt Nam đang nỗ lực để đổi mới nội dung chương trình, đầu tư trang thiết bị để mang đến cho công cúng những sản phẩm báo chí tốt nhất. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, sóng phát thanh còn chập chờn. Nhiều nơi, bà con chưa tiếp cận được đầy đủ thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Đó cũng là trăn trở của những người làm báo phát thanh.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ mong muốn, thời gian tới, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau để mang đến những tác phẩm hay, gần gũi với bà con, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Vũ Hải phát biểu tại hội thảo.
Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Vũ Hải phát biểu tại hội thảo.

Nói về chủ đề hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN nhấn mạnh: Lịch sử thế giới đã có trên 100 năm và Đài TNVN cũng đã phát sóng được hơn 70 năm. Không có gì phủ nhận được sức mạnh của phát thanh trong đời sống xã hội và dù khoa học công nghệ có phát triển mạnh mẽ như thế nào, dù truyền thông có thay đổi ra sao thì công chúng vẫn luôn bên cạnh phát thanh. Vấn đề là phát thanh phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về nội dung và hình thức. Được như vậy, chắc chắn phát thanh sẽ tiếp tục khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong các loại hình truyền thông.

Thách thức của báo nói trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi

Các nhà báo, chuyên gia tham gia phiên thảo luận về
Các nhà báo, chuyên gia tham gia phiên thảo luận về "Thách thức của báo nói trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi".

Nhà báo Phó Cầm Hoa – Phó Trưởng ban Đối ngoại (VOV5) chủ trì phiên thảo luận này.

Nói về cơ hội và thách thức đối với phát thanh trong môi trường nhiều thay đổi, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, mạng internet, các trang mạng xã hội Facebook, Twitter… đã đem đến nhiều luồng thông tin xã hội đa dạng, phong phú, giúp quá trình thu thập, xử lý, sản xuất và truyền tải thông tin báo chí phát thanh thuận lợi, phổ cấp đến mọi nhóm đối tượng nhanh và đa chiều hơn. Sự tương tác của các sản phẩm báo chí phát thanh với công chúng cũng tăng lên. Bên cạnh đó, internet là một ngân hàng dữ liệu khổng lồ trên mọi lĩnh vực của thế giới, một siêu kênh thông tin toàn cầu, cho phép liên kết con người bằng thông tin, kết nói nguồn tri thức đã tích lũy của toàn nhân loại.

a
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng – Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí Tuyên truyền nói về cơ hội và thách thức đối với phát thanh trong môi trường nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, phát thanh phải cạnh tranh quyết liệt với các loại hình báo chí khác và mạng xã hội trong bối cảnh môi trường truyền thông thay đổi. Ngoài cạnh tranh về nội dung thông tin, cách thức đăng tải, phát thanh phải chịu sức ép nặng nề về thời gian đưa tin. Người làm phát thanh phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh chóng và chính xác.

Để tồn tại và phát triển, phát thanh cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công chúng hiện đại, đặc biệt là lớp công chúng trẻ, giỏi công nghệ thông tin. Phát thanh phải tạo ra những sản phẩm thích ứng với cách thức, nhu cầu tiếp nhận thông tin. Bên cạnh có nội dung, hình thức hấp dẫn, sản phẩm phát thanh phải tương thích với việc tiếp nhận trên các thiết bị thông minh và mang lại khả năng tương tác cao.

Nhaf bas
Nhà báo Đỗ Bích – Giám đốc, Tổng biên tập Đài PT-TH Quảng Ninh chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Thảo luận tiếp về nội dung này, Nhà báo Đỗ Bích – Giám đốc, Tổng biên tập Đài PT-TH Quảng Ninh đã chia sẻ các giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh.

Đài Quảng Ninh xác định phải luôn đặt thính giả ở vị trí trung tâm phải tôn trọng công chúng, yêu Đài, tin Đài và không ngại thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội; tận dụng những ưu thế của phát thanh trong sản xuất chương trình: thông tin nhanh, linh hoạt, sinh động. Mỗi chương trình phát thanh khi phát sóng phải là bữa tiệc về âm thanh, tiếng động và lời nói làm say lòng người.

Cùng với đó, việc sản xuất chương trình không giới hạn trong kịch bản khô cứng, dựng sẵn mà phải tạo diễn đàn, một “sân chơi” cho thính giả cùng tham gia chia sẻ, đóng góp ý kiến, thậm chí tạo cơ hội cho thính giả đưa ra câu hỏi, vướng mắc, thể hiện thái độ trước vấn đề nào đó.

Cách thức tiếp cận thính giả cũng phải thay đổi. Thay vì thụ động tiếp nhận thông tin, người làm chương trình phải chủ động tương tác, thậm chí để thính giả cùng tham gia sản xuất; đồng thời phải kết nối với mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội để phục vụ chính các chương trình phát thanh của Đài một cách hiệu quả nhất.

Theo Nhà báo Hoàng Dũng – Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH), trong môi trường  truyền thông nhiều thay đổi, báo nói phải hướng đến lượng thính giả tiềm năng, cụ thể ở đây là giới trẻ. Nhóm đối tượng này hầu như gắn liền việc học tập, sinh hoạt, giải trí với smartphone, máy tính bảng, laptop…; tham gia tương tác mạng xã hội như một nhu cầu không thể thiếu; cách bày tỏ ý kiến sau khi xem – nghe – biết một cách thẳng thắn, trực tiếp, dễ hiểu, biết tiếp cận, nhìn nhận vấn đề “thoáng, mở” nhất định dù chưa sâu, chưa tường tận.

Để thu hút thính giả trẻ, người làm chương trình cần phải định hình rõ và cụ thể tính chất, ý nghĩa của mỗi chương trình; tăng tính tương tác và “mềm hóa” nội dung thông tin tuyên truyền; phóng viên, BTV luôn phải làm mới mình qua phong cách làm radio, đổi mới các nội dung, format chương trình. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đầu tư các phương tiện kỹ thuật theo xu thế tích hợp, đa năng; xây dựng và quảng bá thương hiệu Đài nhiều hơn thường xuyên hơn để có thể tiếp cận thính giả hiệu quả nhất.

Nội dung của phát thanh: Thời sự hay nhu cầu thính giả?

Nhà báo Hồng Nhung - Phó Trưởng ban Phát thanh dân tộc VOV4, Đài TNVN chủ trì phiên thảo luận thứ 2.
Nhà báo Hồng Nhung - Phó Trưởng ban Phát thanh dân tộc VOV4, Đài TNVN chủ trì phiên thảo luận thứ 2.

Để làm rõ vấn đề này, Nhà báo Bích Thuận – Trưởng phòng tiếng Trung Quốc, Ban Đối ngoại VOV5, Đài TNVN đã có sự so sánh, đưa ra đôi điều khác biệt của kênh “Tiếng nói Trung Quốc” trong viẹc xây dựng kết cấu chương trình hàng ngày có sự cân bằng giữa chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội.

Trong chương trình 30 phút, với tiêu chí “nói tin tức”, chương trình được trình bày tự nhiên, nhiều kết nối phóng viên, chuyên gia, số phút từng nội dung trong chương trình linh hoạt, nhiều quảng cáo, tạo cảm giác không bị cát cứ, giống  dòng chảy tin tức; thời gian mở sóng với tính giả nhiều nhưng không tương tác qua điện thoại, chỉ tương tác qua tài khoản chính thức trên weibo (tương tự facebook) và weichat (tương tự zalo); Việc đưa tin các Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu sự chỉ đạo trong “Tám quy định” Bộ Chính trị, ngoài ra chủ yếu tập trung vào tin đời sống.

Có nên lựa chọn chủ đề gây tranh cãi để thu hút thính giả? Trả lời câu hỏi này, nhà báo Mai Hồng – Quyền trưởng phòng Thư ký Biên tập, Ban thời sự, Đài TNVN cho rằng việc lựa chọn chủ đề phải hướng đến mục tiêu định hướng dư luận: Việc là đó đúng hay sai; câu chuyện đó tốt hay xấu; Nên làm hay không nên làm. Tất cả phải thể hiện quan điểm rõ ràng.

Nhà báo Nguyễn Kiều Hưng – Trưởng phòng Biên tập và TTĐT, Đài PT-TH Nghệ An chai sẻ
Nhà báo Nguyễn Kiều Hưng – Trưởng phòng Biên tập và TTĐT, Đài PT-TH Nghệ An chia sẻ quan điểm về "key note" báo nói.

Trả lời câu hỏi “Thu hút thính giả - đâu là “key note” cho báo nói?”, nhà báo Nguyễn Kiều Hưng – Trưởng phòng Biên tập và TTĐT, Đài PT-TH Nghệ An cho rằng: “Key note” của báo chí nói chung bao giờ cũng phải hướng đến tiêu chí “lấy thính giả, khán giả, độc giả” làm trung tâm để sản xuất và phát sóng những gì công chúng cần; Đối với "báo nói" trong môi trường truyền thông nhiều thay đổi như hiện nay, thì phải nhập cuộc với đường biên "phi biên giới" của thời đại kỷ nguyên số đó là: Phát thanh không ăng ten, đáp ứng nhu cầu công chúng thính giả không giới hạn vùng miền, quốc gia, sắc tộc, nhãn quan chính trị và độ tuổi. Trong đó, nhà báo (phát thanh) đóng vai trò chủ đạo tìm kiếm nhu cầu công chúng, kết nối và tạo ra sự tương tác. Đó cũng chính là cơ chế, để công chúng trở thành chủ thể truyền thông và góp phần tạo ra sự bình đẳng trong truyền thông...

Phát thanh, thay đổi hình thức thế nào để hấp dẫn thính giả?

Chủ trì phiên thảo luận này là Nhà báo Ngô Thiệu Phong – Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (VOV2), Đài TNVN. Cùng tham gia trình bày tham luận có nhà báo Đặng Thị Huệ – Nguyên Phó Trưởng ban Phát thanh Dân tộc, chuyên gia giảng dạy phát thanh; bà Dương Thị Minh Hằng – Giám đốc Trung tâm sản xuất và Lưu trữ chương trình, Đài TNVN.

a
Các nhà báo, chuyên gia tham gia phiên thảo luận "Phát thanh, thay đổi hình thức thế nào để hấp dẫn thính giả?"

Theo quan điểm của các diễn giả, tận dụng nền tảng kỹ thuật đa phương tiện gia tăng giá trị cho báo nói. Chưa có một quan điểm chính thức nào khẳng định số người nghe phát thanh ở Việt Nam giảm đi, nhưng bằng cảm nhận, phát thanh đang chia sẻ công chúng với các loại hình báo chí khác. Ngày nay, cách thức nghe đài, chọn chương trình của thính giả đã thay đổi. Số người nghe bằng radio truyền thống không tăng nhưng lai gia tăng số người nghe đài trên ô tô, mobile và các trang web, đòi hỏi báo nói phải bổ sung, thay đổi mình và tăng truyền dẫn trên các nền tảng khác nhau cũng như các phương tiện khác nhau.

Đưa nội dung báo nói lên ứng dụng di động là một xu hướng của báo chí hiện đại; tận dụng mạng xã hội giúp nối dài cánh tay, là một cách thức để báo chí thiết lập những mối quan hệ và lắng nghe ý kiến của công chúng.

Cùng với đó, dịch vụ internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày, báo mạng đã và đang trở thành một công cụ hữu ích có tác động lớn đến độc giả. Với những thao tác đơn giản, báo điện tử có thể tức thời và phi định kỳ phát thanh thông tin 24h/ngày, 7 ngày/tuần.

Thùy Dương