Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việt Nam phải tự lực trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông

11:48, 11/07/2016

Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên biển Đông, vụ kiện biển Đông giữa Philipine và Trung Quốc khiến dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi: Việt Nam cần phải làm gì? Tình hình biển Đông vốn đã căng thẳng khi Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh, cải tạo hiện trạng, quân sự hoá biển Đông. Giờ đây, nếu Trung Quốc vẫn phớt lờ hoặc phản đối mạnh mẽ phán quyết của PCA thì liệu sự ổn định của khu vực, hoặc sự hoà bình mong manh trên biển Đông có bị đe doạ?

PV NTV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an.

PGS - Thiếu tướng Lê Văn Cương trả lời phỏng vấn
PGS - Thiếu tướng Lê Văn Cương trả lời phỏng vấn

PV: Thưa ông, trước sức ép mạnh mẽ của dư luận quốc tế, lúc nào Trung Quốc cũng đưa ra lý lẽ: chủ quyền của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa là không thể bác bỏ, ông bình luận thế nào về nội dung này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong tranh chấp với Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh đạo Trung Quốc từ xưa đến nay thường xuyên đưa ra một quan điểm nhất quán là họ có một cơ sở pháp lý không thể bác bỏ với chủ quyền hai quần đảo này.

Khoảng năm 1635, trước đây 380 năm, chúa Nguyễn ở đàng trong đã cử đội quân ra tiếp quản Hoàng Sa, sau này, còn có cả Trường Sa nữa. Việc này còn tồn tại trong hệ thống thư tịch, sách địa lý lịch sử của Việt Nam, ngay cả trong bản đồ của người Trung Hoa vẽ từ nhà Minh, nhà Thanh đến bây giờ nói rằng hai quần đảo của Việt Nam, có 40 cuốn sách nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, kể cả trong sách phương Tây cũng vậy, có khoảng 110 bản đồ của họ nói Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Về mặt pháp lý, trong thế kỷ XX chỉ có hai cuộc họp. Cuộc họp thứ nhất tại San Franciso do Liên Hợp Quốc tổ chức vào năm 1951. Tại cuộc họp này, vấn đề pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa không phải của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc cho rằng, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, tại đàm phán Cairo, Yanta giữa 5 nước đồng minh nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Hoa.

Nhưng trên thực tế, cuộc họp đó không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa. Đến Hiệp định Giơ-ne-vơ vào 20/7/1954, điều 4 của Hiệp định quy định rằng, Việt Nam dân chủ cộng hoà Hà Nội quản lý vùng đất liền và biển đảo phía Bắc vĩ tuyến 17. Việt Nam cộng hoà Sài Gòn quản lý vùng đất liền và biển đảo phía Nam vĩ tuyến 17, trong đó, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về mặt pháp lý, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Đây là Hiệp định Quốc tế, tất cả các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên Xô… đã ký vào, những người lãnh đạo Trung Quốc chứng kiến như ông Chu Ân Lai -Thủ tướng Trung Quốc cũng đã chứng kiến Việt Nam dân chủ cộng hoà ký với Pháp hiệp định, họ đã xác nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế không ai bàn cãi, thế nhưng, giờ họ lãi cho rằng hai quần đảo này của họ là vô lý.

Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào ngày 19 tháng Giêng năm 1974 từ tay Việt Nam cộng hoà, đánh chiếm 7 đảo chìm của Trường Sa vào ngày 14/3/1988. Những hành động dùng vũ lực cưỡng chiếm này vi phạm khoản 3, khoản 4 của điều II Hiến chương Liên Hợp Quốc rằng: Các thành viên Liên Hiệp Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Khoản 4 nói rằng, cấm các thành viên Liên Hợp Quốc dùng vũ lực và trực tiếp dùng vũ lực để giải quyết hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, 7 đảo chìm của Trường Sa năm 1988. Ngoài ra, còn vi phạm Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 2/1970: Lãnh thổ của một Quốc gia không thể là đối tượng cưỡng chiếm của quốc gia khác, những vùng lãnh thổ bị cưỡng chiếm bằng vũ lực không tạo ra cơ sở, căn cứ pháp lý cho nước đó. Theo luật pháp hiện nay, đặc biệt bộ luật quan trọng nhất của quốc tế là Hiến chương Liên Hợp Quốc, Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý với Hoàng Sa, Trường Sa.

 

PV: Vậy tại sao Trung Quốc có thể phớt lờ những căn cứ, điều luật Quốc tế như thế?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đó là một vấn đề rất lớn mà cộng đồng Quốc tế quan tâm, theo tôi có hai nguyên nhân. Đúng là trong thời gian mấy năm vừa rồi, từ khi Trung Quốc vươn lên thành một nền kinh tế khổng lồ đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, và họ bắt đầu có những hành động hung hăng bất chấp luật pháp Quốc tế trên biển Đông và bị cộng đồng quốc tế phán quyết rất mạnh mẽ, nhưng họ vẫn phớt lờ. Đây là một công trình phải nghiên cứu nhiều hơn, nhưng theo tôi có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, vấn đề quan trọng nhất là nằm ở vị trí địa chính trị, kinh tế, chiến lược của biển Đông. Biển Đông có một con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới, 33% hàng hoá dịch vụ đi qua đây. Biển Đông cũng là con đường duy nhất để Trung Quốc ra thế giới. Cho nên, không phải bây giờ mà trước đây gần nửa thế kỷ, trong cuộc gặp năm 1963, lãnh đạo Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giúp cho một lối đi trên biển và trên bộ ra thế giới vì nước họ lớn, không có lối ra. Và rồi họ quyết tâm để khống chế bằng được biển Đông.

Thứ hai, dưới góc nhìn khoa học, phản ánh của cộng đồng quốc tế mạnh mẽ nhưng chưa đủ răn đe Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải trả giá đắt về vấn đề đó.

PV: Cũng từ câu chuyện này, hiện nay, tâm lý của người dân của chúng ta mong rằng Mỹ, Nhật, hoặc Ấn Độ có thể can thiệp sâu hơn vào vấn đề biển Đông để có thể ngăn chặn Trung Quốc, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dư luận quốc tế cho rằng, tốt nhất Việt Nam và các nước liên quan hãy nhờ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tạo ra đối trọng để răn đe Trung Quốc. Tôi cho rằng, về vấn đề này, đường lối của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, chúng ta không liên minh với ai cả, hoàn toàn độc lập tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại. Trong vấn đề biển Đông, rõ ràng Mỹ là một quốc gia siêu cường phản đối việc Trung Quốc lấn chiếm biển Đông. Họ phản đối trên phương diện Trung Quốc vi phạm luật pháp Quốc tế chứ không phải là phản ứng để bảo vệ Việt Nam.

PGS - Thiếu tướng Lê Văn Cương trả lời phỏng vấn phóng viên NTV (Ảnh: Trường Ca)
PGS - Thiếu tướng Lê Văn Cương trả lời phỏng vấn phóng viên NTV (Ảnh: Trường Ca)

Thứ hai, chúng ta nghiên cứu biển Đông đừng quên rằng, có những điểm nóng phía Tây Thái Bình Dương Đông Á. Thứ nhất là Triều Tiên thường xuyên nóng bỏng; thứ hai, Trung Quốc và Nhật Bản tranh giành nhau tại quần đảo Senxacư (Nhật Bản) hoặc Điếu Ngư (Trung Quốc); ở giữa là eo biển Đài Loan hai bờ; phía Nam là biển Đông. Đừng bao giờ tách rời 4 điểm nóng này, phía sau bên trái là Trung Quốc, bên phải là Mỹ, Trung Quốc và Hoa Kỳ mắc mớ nhau ở cả điểm nóng từ Triều Tiên đến Trung Nhật đến eo biển Đài Loan. Vì vậy, người Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc trước hết cũng vì lợi ích của họ, lẽ dĩ nhiên họ luôn đặt lợi ích của họ lên tối thượng. Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng có thể dựa vào Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc là phương án chắc chắn.

Trước hết, chúng ta phải dựa vào sức mạnh của chúng ta, cộng đồng quốc tế ai giúp đỡ thì chúng ta trân trọng cám ơn họ nhưng đừng đặt sự nghiệp chủ quyền Quốc gia vào tay người khác, điều đó còn nguy hiểm hơn.

Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc vì họ vi phạm luật pháp quốc tế, điều đó là có lợi cho Việt Nam nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng vì lợi ích của họ chứ không phải họ sẵn sàng phản đối Trung Quốc vì Việt Nam. Những hành động phản đối Trung Quốc của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ là phù hợp với xu thế vì mục đích thúc đẩy hòa bình, hợp tác phát triển, với Hiến chương của Liên Hiệp Quốc. Vì thế, chúng ta tận dụng tối đa nhưng đừng nghĩ đơn giản rằng hãy liên kết với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ là được.

PV: Ông có nhận định như thế nào về kết quả phán quyết của tòa PCA vào ngày mai? Thái độ Trung Quốc như thế nào và Việt Nam cần phải làm gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu không có gì đột xuất thay đổi thì ngày mai, 12/7/2016, tòa PCA được thành lập theo phụ lục 7 của Công ước luật biển năm 1982, về danh nghĩa là tòa án của Liên Hiệp Quốc, là cơ quan tài phán quốc tế dưới sự chỉ đạo của Liên Hiệp Quốc.

Thứ hai, vụ Philipine kiện Trung Quốc không vì vấn đề phân định chủ quyền mà họ kiện Trung Quốc 15 điểm trong hồ sơ dài 4000 trang và linh hồn chung của vụ kiện là: yêu cầu tòa trọng tài đưa ra phán quyết nói rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước biển tức là Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý Quốc tế nào phù hợp với yêu sách vùng nước cũng như các đá, các đảo trong đường 9 đoạn.

Ở Trường Sa chỉ có hai loại là nửa chìm nửa nổi, và tất cả là đá, điều ấy là hoàn toàn có lợi cho Philipine, có nghĩa rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền xua đuổi tàu đánh cá của các nước vào khu vực Trường Sa đánh cá cũng như không có quyền cưỡng chế với các nước đang hoạt động trong khu vực này. Tôi cho rằng, đó là khả năng tối ưu nhất. Có lẽ, tất cả các phán quyết của trọng tài nằm ở chỗ, yêu sách đường lưỡi bò không phù hợp với luật pháp quốc tế, đa số phần ở Trường Sa là thuộc phần nửa chìm nửa nổi và đá.

Dù sao thì phán quyết ngày mai có thể có nhiều bất lợi cho Trung Quốc.

PV: Ông nghĩ thái độ của Trung Quốc như thế nào và Việt Nam cần phải làm gì trong vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu như ngày mai, tòa đưa phán quyết bất lợi cho Trung Quốc ở vấn đề quan trọng nào đấy thì tốt lắm rồi. Và Trung Quốc chắc chắn có phản ứng, họ đã chuẩn bị đưa ra các kịch bản để đối phó với tòa rồi. Theo tôi biết, họ có kịch bản và phương án hết rồi, không bao giờ bị động trong vấn đề này.

PV: Theo ông họ có tiếp tục phớt lờ không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu như trọng tài phán quyết bất lợi cho họ thì chắc chắn họ sẽ có phản ứng. Theo tôi, các cấp độ phản ứng thế này, thứ nhất, họ sẽ tiếp tục quân sự hóa biển Đông, họ đã bồi đắp 7 đảo chìm ở Trường Sa, hình thành sân bay ở đảo chữ Thập, mà sân bay có thể ném bom chiến lược, cất cánh hạ cánh được. Một sân bay cho máy bay tiêm kích ở đảo Gạc Ma của Việt Nam, máy bay tiêm kích J10, J11, Su 30 của họ cất cánh hạ cánh được. Có thể họ sẽ tiếp tục công khai đưa máy bay chiến đấu đến đây, lắp thêm hệ thống rada tần số cao cảnh báo sớm, đưa thêm các tổ hợp nhiều bệ phóng tên lửa đất đối không. Họ sẽ tiếp tục quân sự hóa biển Đông. Đây là khả năng khá hiện thực.

Khả năng thứ hai rất xấu, họ có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không biển Đông. Đây là bước cuối cùng họ có thể làm. Có 3 cấp độ: thiết lập trên quần đảo Hoàng Sa, chồng lấn lên vùng đặc quyền trên không của Việt Nam và Philipin, chồng lấn lên vùng thông tin bay của thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Hồng Kông và Manila. Cấp độ cao hơn nữa là thiết lập nhận dạng phòng không ở Trường Sa, sẽ đụng chạm đến lợi ích của toàn bộ các nước, chồng lấn lên quyền và lợi ích của hàng loạt nước ở đây, quan trọng hơn là chồng lên vùng thông tin bay của thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Manila của Philipin, Singapo, của một loạt thành phố lớn của Indonesia, Malaisia nữa. Và như vậy, nếu thành lập vùng phòng không ở Trường Sa thì chắc chắn quan hệ Trung - Mỹ hết sức căng thẳng và cộng đồng quốc tế sẽ phản đối mạnh mẽ.

Phương án xấu nhất là thiết lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm toàn bộ biển Đông, điều này đặt ra nhiều vấn đề.

Nhưng tôi cho rằng, khả năng quân sự hóa biển Đông là khả năng thiết thực nhất, khả năng thứ hai có lẽ có xác suất lớn, còn khả năng thứ ba thì họ phải cân nhắc.

Tất cả các phản ứng của Trung Quốc khi tòa đưa ra phán quyết cũng tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực và sẽ bị cộng đồng quốc tế phê phán và lên án.

Về phía Việt Nam, tôi cho rằng, tranh chấp biển đảo trên hành tinh này thông thường đi qua 4 cách: trao đổi hòa bình song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, được Liên Hiệp Quốc động viên và khuyến khích, Đảng và Nhà nước ta đang kiên trì phương thức này vì nó phù hợp với lợi ích của cả hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình ổn định hợp tác khu vực.

Cách thứ hai là nhờ cậy bên thứ 3 để giải quyết, nhưng cách này không hiện thực.

Cách thứ ba là kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế như Philippin làm. Về mặt nguyên tắc, chúng ta không bao giờ từ bỏ việc kiện Trung Quốc, vấn đề là chúng ta tận dụng tối đa phương thức đối thoại song phương với họ trên cơ sở luật pháp Quốc tế. Chúng ta hy vọng rằng thông qua cách này giải quyết được tranh chấp, điều này phù hợp với lợi ích của chúng ta, phù hợp với Trung Quốc, với xu hướng hòa bình của khu vực.

Và cuối cùng là biện pháp quân sự, chúng ta không sẵn sàng chuyện này, không mong muốn điều này xảy ra. Tôi cho rằng, Trung Quốc cuối cùng sẽ có những phản ứng sau khi tòa phán quyết, thái độ của chúng ta bình tĩnh, đối thoại với Trung Quốc, trên nguyên tắc tối thượng là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chúng ta không quên rằng 1 tỷ 350 triệu người Trung Quốc cũng có những người nhân hậu và hòa hiếu như Việt Nam. Đấu tranh với Trung Quốc cũng dựa vào những người như họ nữa, chúng ta tin rằng 1 tỷ 350 triệu người Trung Quốc ủng hộ quan điểm của chúng ta và thông qua đối thoại này chúng ta có khả năng đảm bảo lợi ích của chúng ta theo luật pháp Quốc tế.

Xin trân trọng cám ơn ông.

(Xuân Hướng thực hiện)