Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đề xuất nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền chống phá nhà nước

11:11, 25/10/2016

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu của đoàn Nghệ An đã phát biểu: Cần thêm một số điều để nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam.

[links()]

Dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh như: mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo...  

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định đầy đủ, toàn diện và chặt chẽ hơn. Bởi nếu các hành vi bị nghiêm cấm được quy định theo phương thức liệt kê thì còn thiếu rất  nhiều.

ĐBQH (Đoàn Nghệ An) phát biểu: Cần bổ sung việc nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền chống phá nhà nước
Ông Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) phát biểu: Cần bổ sung việc nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền chống phá nhà nước

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu: Về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tôi đề nghị thêm khoản 3 điều 5 một điểm mới là nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu nêu ý kiến: Việc giao cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, đề nghị phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.

Có ý kiến đề nghị: Nên đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quản lý và bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Một số đại biểu cho rằng, cần cân nhắc thận trọng đối với vấn đề này, đề nghị nếu chưa sắp xếp được cơ quan quản lý thì nên giữ nguyên như hiện nay, nghĩa là, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng.

(Hải Yến – Phan Xanh – Mạnh Việt)