Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhiều câu hỏi "khó" về Đào tạo nghề và giải quyết việc làm

19:09, 12/07/2017

Chiều nay (12/7) phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường đã diễn ra với nhiều câu hỏi dành cho Giám đốc sở Lao động - thương binh và xã hội về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đây là 1 trong 2 nội dung được chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII được nhiều cử tri quan tâm. 

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quang trọng. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo cho 34.268 người, đạt 46,3% kế hoạch, chất lượng đào tào được nâng lên; giải quyết việc làm cho 18.502 lao động, đạt 48,87%  kế hoạch; Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường giải quyết việc làm.

a
Ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐTB-XH báo cáo trả lời chất vấn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong công tác này như: Số lượng cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng quy mô còn nhỏ; Nguồn lực đầu tư hàng năm cho đào tạo nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là nhà xưởng, trang thiết bị, trình độ kỹ năng nghề của giáo viên; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng chưa đủ mạnh, quy mô còn vừa và nhỏ, chưa thu hút lao động sau đào tạo,…

a
Ông Hoàng Nghĩa Hùng - đại biểu huyện Nam Đàn hỏi: Lý do có mức chênh lệch trong phí tuyển dụng xuất khẩu lao động.

Liên quan đến công tác xuất khẩu lao động, ông Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn) nêu câu hỏi: Cùng một ngành nghề, cùng nơi làm việc tại sao giữa các địa phương có sự chênh lệch mức phí tuyển dụng xuất khẩu lao động? Trách nhiệm của Sở trước những rủi ro của người lao động đi xuất khẩu lao động như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB-XH khẳng định: Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng đơn vị tham gia xuất khẩu lao động và số lượng người được đi xuất khẩu lao động thuộc top đầu của cả nước. Mọi thông tin tuyển dụng đều được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc chênh lệch mức phí tuyển dụng, qua tìm hiểu là do người dân không nắm bắt được thông tin nên đã tự tìm cầu trung gian nên xảy ra chênh lệch. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có xảy ra 2 trường hợp tuyển dụng xong không đưa được người lao động đi ở Thanh Chương và tuyển dụng giả mạo giấy tờ làm việc ở huyện Quế Phong, Sở đã làm việc và yêu cầu nhanh chóng giải quyết trả lại hồ sơ và kinh phí; Riêng trường hợp ở Quế Phong Sở đã từ chối cấp phép nhưng địa phương tự ý cấp phép hoạt động, gây thiệt hại cho nhân dân. Hiện địa phương đã có đơn tố cáo lên cơ quan chức năng để xử lý. Đây cũng chính là bài học cho địa phương cũng như người dân.

Trả lời ý thứ 2, ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết, đi lao động bất hợp pháp có rủi ro rất lớn bởi không có cơ quan xử lý những vấn đề phát sinh và người chịu thiệt là người lao động. Để khắc phục tình trạng này, Sở sẽ tiếp tục thông tin, tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho người lao động. Khuyến cáo người lao động chỉ đi lao động khi có cơ quan bảo hộ.

a
Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) chất vấn trách nhiệm đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Sở LĐTB-XH.

Đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) và đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) cùng đặt câu hỏi: Nhiều địa phương chuyển đổi đất để thực hiện các công trình dự án, tuy nhiên các công trình này phần nào đó tác động đến đời sống của người dân, việc đào tạo nghề cho lao động trong độ tuổi này như thế nào? Công tác đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu của doanh nghiệp hay chưa?

Ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐTB-XH trả lời: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngoài Sở còn có sự tham gia cuả các cơ quan khác như: Sở NN-PTNT, Liên minh HTX, Trung tâm khuyến công. Trách nhiệm của Sở là kiểm định kiểm tra. Kinh phí đào tạo lao động nông thôn do Sở NN-PTNT chủ trì.

Trả lời ý tiếp theo, Ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết: Thực tế là trong công tác đào tạo nghề có một số nghề chưa phù hợp với thị trường. Thời gian tới, Sở sẽ tiến hành rà soát danh mục đào tạo nghề cũng như chất lượng cơ sở các cơ sở dạy nghề, nếu không đủ điều kiên sẽ giải thể và ngành đào tạo sẽ thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tế.

Đại biểu
Đại biểu Trần Thị Thanh Thủy chất vất trách nhiệm của Sở LĐTB-XH trong dự báo nhu cầu thị trường tuyển dụng lao động.

Cũng liên quan đến vấn đề đào tạo nghề và tuyển dụng lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Thủy và đại biểu Nguyễn Thị Lan hỏi: Dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động là vấn đề quan trọng để định hướng cho các cơ sở giáo dục, học nghề của người lao động. Giải pháp nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu cũng như chỉ tiêu tuyển dụng lao động thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: Hàng năm đều có dự báo thị trường lao động của tỉnh, trên cả nước và xuất khẩu.  Tuy nhiên thực tế tính dự báo chưa sát sát với thực tế. Lý do xuất phát từ cơ sở, nhu cầu từ xã lên huyện và tổng hợp lên tỉnh. Ngành xin nhận khuyết điểm và các địa phương cũng cần rút kinh nghiệm để khảo sát sát với thực tiễn để đưa dự báo, tham mưu cho tỉnh giao chỉ tiêu một cách hợp lý.

a
Ông Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn) nêu câu hỏi về chính sách hỗ trợ người có công tại NA.

“Quyết định 22 ngày 26/3/2013 của Chính phủ về chính sách cho người có công có nhiều mâu thuẫn khi triển khai ở Nghệ An như trong thời gian chờ đợi xét duyệt nhà xuống cấp phải làm trước khi cấp thì giải quyết thế nào?” – là câu hỏi của đại biểu Nam Đàn Hoàng Nghĩa Hùng.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: Thực hiện Quyết định này có 3 ngành liên quan chịu trách nhiệm gồm Sở LĐTB-XH, Sở Xây dựng, Sở Tài chính. Đến nay, tỉnh mới thực hiện hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ được xét duyệt sửa chữa, xây mới. Phía Sở đã khâu nối với các Sở, tham mưu UBND tỉnh để xin ứng kinh phí để giải quyết trước một phần.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá phiên chất vấn.

Tổng hợp những chất vấn và đánh giá về trách nhiệm giải trình của Sở Lao động Thương binh – Xã hội, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành tiếp tục nghiên cứu những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục phất triển hệ thống thông tin việc làm, kết nối tốt hơn giữa đào tạo nghề - việc làm; sắp xếp lại cơ sở giáo dục công lập theo tinh thần hiện đại hóa; sớm hoàn thành sáp nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên,…; tích cực đẩy mạnh xã hội hóa về đào tạo nghề và giải quyết việc làm như tạo điều kiện cơ sở dạy nghề, thúc đẩy liên hệ dạy nghề với các doanh nghiệp tham gia đào tạo đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo ngoại ngữ để lao động hội nhập; rà soát lại chất lượng giáo viên, danh mục nghề, bổ sung tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo.

HĐND tỉnh cũng đề xuất: tăng cường đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề hướng đến lao động chất lượng cao; quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo sơ cấp đẻ nâng cao năng suất, tăng thu nhập; thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, kịp thời xử lý những sai sót, phát hiện xử lý nghiêm những hành vi lừa đảo.

Cuối phiên chất vấn, HĐND tỉnh đã tiếp nhận 21 ý kiến tiếp nhận qua đường dây nóng trong buổi , gồm các nội dung: giải quyết trợ cấp cho thân nhân liệt sỹ đã từ trần; sự trậm trễ trong trợ cấp người bị nhiễm chất độc màu da cam; Đôn đốc trách nhiệm của Công ty Vinaconex 9 chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; UBND xã chi khê (Con Cuông) cấp đất sai đối tượng;...

(Thùy Linh - Thùy Dương - Văn Nhân)