Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhìn lại những dấu mốc trong hợp tác hữu nghị Việt - Lào

14:25, 18/07/2017

Ngày 18-7-2017 dấu mốc quan trọng trong quan hệ 2 nước Việt Nam - Lào. Đó là kỉ niệm 40 năm 2 nước ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Cùng nhìn lại mối quan hệ hữu nghị hợp tác lâu đời, thủy chung giữa 2 quốc gia láng giềng cùng chung lý tưởng Việt - Lào. 

Cùng chung dãy Trường Sơn, dòng Mê Công và chung đường biên giới, mối đoàn kết lâu đời và đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam - Lào thể hiển rõ trong 30 năm chiến đấu chống kẻ thù chung. Vì đất nước, vì nhân dân Lào, vì tình hữu nghị quốc tế cao cả hơn 12.000 quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên chiến trường Lào.

Ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên minh chiến đấu của hai nước ngày càng được tăng cường. Dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ bền chặt Việt - Lào trong suốt cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ gian khổ.

A
Việt Nam - Lào hợp tác toàn diện sau 40 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác.

Sau năm 1975, quan hệ hai nước bước sang giai đoạn mới; đánh dấu bởi Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Lào ký kết ngày 18/7/1977.  Sau 40 năm hợp tác toàn diện, 2 nước Việt Nam - Lào đã đạt những thành quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực hợp tác chiến lược. Chỉ tình từ năm 2001 - 2017, Việt Nam giúp Lào hơn 2.200 tỷ đồng đầu tư  phát triển nguồn nhân lực; hiện tại có hơn 14.000 lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam. Đây chính là đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi góp phần xây dựng đất nước Lào và là nhịp cầu nối hữu nghị đoàn kết 2 nước.

a
Hiện có hơn 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.

Chia sẻ của bạn Phaumany Phonthong – Lưu học sinh Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An: “Tỉnh Nghệ An là quê hương của Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam; người dân Lào cũng yêu quý Bác Hồ. Bên cạnh đó, Lào và Việt Nam có mối quan hệ thân thiết lâu đời nên bản thân em cũng có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đặc biệt là Nghệ An – nơi em đang học tập.”

Thạc sỹ Sivone Rue Vaibounthavy – Nghiên cứu sinh Trường Đại học Vinh chia sẻ thêm: “Bản thân chọn Đại học Vinh là nơi học Tiến sỹ với mong muốn sau khi hoàn thành khóa học sẽ đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng đất nước Lào phát triển hơn nữa; đặc biệt vun đắp tình hữu nghị, tăng cường hợp tác giữa 2 nước Việt Nam – Lào.”

Cùng với quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, gắn bó, tin cậy, quan hệ hợp tác kinh tế 2 nước cũng ngày càng tăng cường; nhất là sau khi 2 nước ký hiệp định thương mại năm 2015. Đến nay, tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào là trên 5 tỷ USD; đứng thứ 3 trong số các Quốc gia đầu tư tại Lào.

a
Với đặc thù địa lý, Nghệ An là tỉnh giáp biên giới với nước bạn Lào. Những năm qua tỉnh Nghệ An và Lào đã có nhiều ký kết hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội- quốc phòng an ninh.

Với đường biên giới dài hơn 2.300 km, hợp tác địa phương là lĩnh vực được 2 nước ưu tiên hàng đầu. Dù các địa phương giáp biên giới Việt Lào là các tỉnh còn nghèo, nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ các tỉnh bạn trong mọi hoạt động. Từ kinh tế - văn hóa – xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng và nhất là công tác an ninh quốc phòng. Nghệ An - địa phương có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài nhất cả nước, từ năm 2011 - 2016, tỉnh đã dành trên 142 tỷ đồng để hợp tác, hỗ trợ nước bạn.

a
Lễ bàn giao - tiếp nhận Nhà văn hóa tỉnh Xiêng Khoảng, Nước CHDCND Lào do tỉnh Nghệ An hỗ trợ vốn.

Cụ thể, ông Nguyễn Hải Dương – Phó Giám đốc Sở Ngoại Vụ Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã phối hợp tốt với các cơ quan đơn vị của Lào trong thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ an ninh biên giới. Bên cạnh đó, 2 bên đã mở rộng ra hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, thương mại, du lịch,… đáp ứng yêu cầu bảo vệ đường biên mốc giới, cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập đời sống cho người dân dọc biên giới.”

“Cùng chung một chiến hào, chung lý tưởng, vì Lào, Việt Nam sẵn sàng đánh đổi bằng xương máu, hy sinh” - lời của ca khúc “Tấm lòng Lào - Việt” đã phần nào lí giải vì sao chính trường thế giới diễn biến phức tạp và đối mặt với nhiều thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhưng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung đặc biệt của 2 nước Việt - Lào luôn được vun đắp và tiếp nối.

(Thu Hiền – Đăng Lâm)