Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quỳnh Lưu phát triển kinh tế biển

16:05, 10/09/2017

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa 27, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: kinh tế rừng, kinh tế vùng trọng tâm nông nghiệp và kinh tế biển là 3 thế mạnh của địa phương. Trong đó, kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, nên cần được tập trung đầu tư, sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao thu nhập cho ngư dân. 

Ông Đinh Trọng Dũng - Chi ủy viên Chi bộ thôn Phong Tiến, xã Tiến Thủy, là một trong những đảng viên đi đầu thành lập tổ đội vươn khơi, bám biển dài ngày. Theo ông, để đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả kinh tế cao phải có thuyền to, công suất lớn. Vì vậy, với gần 10 tỷ đồng huy động được, cộng với nguồn vốn vay từ Chương trình 167, con tàu hiện đại với mã lực gần 900 CV của ông cùng bạn nghề đến nay đã gần hoàn thiện.

“Tuổi đang còn trẻ, nên cùng với anh em vươn khơi, vươn xa để đánh bắt, và đây cũng là việc góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Vươn khơi, vì nguồn lợi thủy sản còn dồi dào, cho nên ra đó sản xuất là có thể làm giàu cho gia đình và cả xã hội.” – Ông Đinh Trọng Dũng cho biết thêm.

Hậu cần nghề cá tốt tạo điều kiện cho các đội tàu vươn khơi bám biển.
Hậu cần nghề cá tốt tạo điều kiện cho các đội tàu vươn khơi bám biển.

Nếu trước đây, phần lớn ngư dân huyện Quỳnh Lưu chủ yếu đánh bắt gần bờ theo hình thức lộng, giã cào, lưới rê… năng mỗi chuyến không cao, lại làm cho nguồn hải sản dần bị cạn kiệt, việc đóng tàu to, công suất lớn để bám biển dài ngày tại các ngư trường xa đã được địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.

Chia sẻ của ông Hoàng Đức Sinh ở cơ sở đóng tàu Sinh Việt, huyện Quỳnh Lưu: “Sau khi Nghị định 67 ra đời, xu hướng người ta đóng to hơn, công suất từ 800 đến 1.000 CV vừa để vươn khơi xa hơn, vừa nâng cao an toàn trong các tình huống bão tố.”

Ngư dân nỗ lực đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, tăng giá trị sản xuất.
Ngư dân nỗ lực đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, tăng giá trị sản xuất.

Nói về trách nhiệm của địa phương trong việc hỗ trợ ngư dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa 27, ông Ngô Quang Nuôi - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thủy cho biết: “Địa phương sẽ kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá. Cấp ủy, chính quyền sẽ tạo mọi hành lang pháp lý để bà con phát triển kinh tế đúng với Nghị quyết.”

Với 20km bờ biển, huyện Quỳnh Lưu là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh, với gần 1300 chiếc. Vì vậy, sản lượng hải sản của Quỳnh Lưu mỗi năm chiếm đến 50% sản lượng cả tỉnh. 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng đánh bắt của huyện đã đạt trên 45.000 tấn, đóng góp đến 20% tổng thu nhập của huyện.

Đánh giá của ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu: “20% này là rất sát đúng với Nghị quyết của huyện đưa ra. Vì Quỳnh Lưu xác định kinh tế biển là thế mạnh, ngoài đánh bắt thủy hải sản còn phát triển thêm nuôi trồng hải sản ở các xã ven biển, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.”

Tiến hành hạ thủy tàu của ngư dân xã Tiếng Thủy để kịp mùa đánh bắt mới.
Tiến hành hạ thủy tàu của ngư dân xã Tiếng Thủy để kịp mùa đánh bắt mới.

Từ nay đến năm 2020, Quỳnh Lưu sẽ vận động nhân dân 9 xã có ngư dân chú trọng việc chuyển đổi công nghệ khai thác hải sản xa bờ để tham gia khai thác ở vùng đánh cá chung - Vịnh Bắc bộ và ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Và mục tiêu đến năm 2020, nguồn thu từ kinh tế biển sẽ chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất của Quỳnh Lưu, tương đương 6.000 - 6.500 tỷ đồng./.

Nguyễn Nam - Quốc Toàn