Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mô hình "Một văn phòng cấp xã": Sự khởi đầu cho việc tinh gọn bộ máy

20:58, 08/04/2018

Mô hình "Một văn phòng cấp xã" được vận hành ở một số địa phương của tỉnh là bước cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết TW 6 (khóa 12) và các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thí điểm mô hình này cho thấy vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm trước khi triển khai nhân rộng.

Gần 6 tháng nay, tất cả các công văn, giấy tờ đến thị trấn Hòa Bình, đều được chuyển về cho Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Tổ trưởng văn phòng xử lý. Mọi nội dung công việc đều được phân công ngay trong ngày. Sau mỗi tuần, công việc gì của các khối, ai phụ trách, đã giải quyết như thế nào, tất cả đều được làm rõ.

Chia sẻ thêm về sự kiêm nhiệm này, bà Nông Thị Kim Tuyết - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổ trưởng Văn phòng thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương cho biết: “Áp dụng mô hình này, thủ tục hành chính được rút gọn, các văn bản của cấp ủy chính quyền được quy về một mối nên được xử lý nhanh, chính xác, hiệu quả”.

a
Mô hình “Một văn phòng cấp xã” giảm các đầu mối làm việc, rút gọn thủ tục hành chính.

Cùng với thị trấn Hòa Bình, xã Yên Hòa là 1 trong 3 đơn vị được Huyện ủy Tương Dương chọn để triển khai mô hình ‘Một văn phòng”. Trước mắt, cách làm này đã giúp cho Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã nắm được tình hình chung của địa phương một cách sát hơn, cụ thể hơn, tình trạng chồng chéo công việc giữa lãnh đạo Ðảng ủy, UBND xã do không nắm được lịch của nhau cũng được hạn chế.

Bà Lô Thị Phượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổ trưởng Văn phòng xã Yên Hòa, huyện Tương Dương cho biết thêm: “Việc thực hiện mô hình mới đã tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự phối hợp của chính quyền và các đoàn thể nhân dân”.

a
Cách làm này đã giúp cho Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã nắm được tình hình chung của địa phương một cách sát hơn, cụ thể hơn. 

Từ các đơn vị thí điểm ở Tương Dương, Thanh Chương và thành phố Vinh, bước đầu mô hình “Một văn phòng cấp xã” cho thấy công việc có sự thống nhất cao, nhịp nhàng, giảm được một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện tại các mô hình này mới chỉ sáp nhập cơ học về con người. Khó khăn của mô hình một văn phòng hiện nay là một số cán bộ văn phòng chưa quen với công việc cùng lúc phải xử lý các công văn giấy tờ của khối Ðảng và khối Chính quyền nên còn lúng túng trong soạn thảo, xử lý văn bản.

Nói về những khó khăn trong thực hiện mô hình mới này, chị Lương Thị Kim Thoa - Công chức Văn phòng HĐND - UBND xã Yên Hòa, Tương Dương cho biết: “Trước đây chỉ tham mưu cho HĐND, UBND; công việc cũng căng hơn do thể thức, nội dung giữa HĐND và UBND có sự khác biệt”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lữ Văn May - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Trình độ, năng lực cán bộ ở một số nơi còn bất cập, do các đồng chí cán bộ văn phòng HĐND, UBND chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác Đảng. Vì vậy cần có sự bồi dưỡng thêm để nâng cao nghiệp vụ”.

a
Huyện Anh Sơn nỗ lực chuẩn bị các bước để áp dụng mô hình "Một văn phòng cấp xã".

Tuy không là địa phương thí điểm nhưng huyện Anh Sơn đã mạnh dạn rà soát, xây dựng đề án để có thể áp dụng mô hình “Một văn phòng cấp xã” ngay trong tháng 4 này. Tuy vậy, thông tin sát nhập cũng khiến không ít cán bộ hiện đang làm công tác văn phòng cấp ủy hoang mang. Bởi dù được tín nhiệm phụ trách công việc nặng nề và trước đó đang được Trung ương xem xét công nhận công chức, nhưng khi sát nhập những chức danh không chuyên trách này sẽ có những thiệt thòi.

Chị Phan Thị Phương - Cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn này tỏ: “Mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ để chúng tôi có vị trí làm việc ổn định. Một phần khác cũng muốn được đóng góp một phần để xây dựng quê hương”.

Trong tổng số 21 cán bộ văn phòng Đảng ủy cấp xã của huyện Anh Sơn có 12 đồng chí là Đảng ủy viên, 18 cán bộ kiêm thêm chức danh Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, 2 người là đại biểu HĐND xã và 100% đều có chuyên môn Đại học, trình độ lý luận chính trị Trung cấp. Năng lực, trình độ cán bộ văn phòng cấp ủy ở các địa phương hầu hết được ghi nhận, vậy nên sắp xếp vị trí công tác phù hợp cho đối tượng này khi sát nhập văn phòng cũng là điều cần được quan tâm.

Nói về các giải pháp sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ văn phòng Đảng ủy, ông Nguyễn Bá Từ - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn cho biết: “Chúng tôi đã chủ động làm việc với BTV Đảng ủy các xã, thị trấn để có phương án cụ thể với từng địa phương. Qua làm việc, chúng tôi thấy các đồng chí cán bộ cũng có nhận thức sâu sắc trong việc chấp hành chủ trương, nhưng cũng mong muốn Đảng ủy, Thường trực Huyện ủy quan tâm, bố trí công việc phù hợp”.

a
Việc thực hiện mô hình cần có lộ trình và quan điểm nhất quán khi triển khai để đạt hiệu quả cao nhất.

Rõ ràng, dù còn những vướng mắc nhưng mô hình “Một văn phòng cấp xã” là việc có thể làm ngay. Không chỉ đem lại tiện ích cho người dân mà hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền cũng được nâng lên rõ rệt. Từ mô hình “Một văn phòng cấp xã” khi thành công sẽ linh hoạt và tiến tới mở rộng lên không chỉ khối văn phòng mà còn cả các ban ngành ở cấp huyện, tỉnh. Mạnh dạn thực hiện, có lộ trình vừa làm vừa bổ sung hoàn thiện, không nóng vội, không cầu toàn cũng là quan điểm nhất quán khi triển khai Nghị quyết Trung ương 6./.

Xuân Hướng – Trường Ca