Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Học Bác lối sống giản dị, không phô trương, hình thức

08:15, 19/05/2018

Trò chuyện nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hơn lúc nào hết các cán bộ, đảng viên ngày nay cần phải học và làm theo Bác về lối sống giản dị, tiết kiệm, không phô trương, hình thức… "Cán bộ Đảng viên mà xây biệt phủ này, biệt phủ kia… chứng tỏ chưa thực sự học tập và làm theo lời Bác", ông Phúc nói.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh: Tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh: Tư liệu.
Cán bộ là công bộc, đầy tớ của nhân dân
 
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, không được “vác mặt quan cách mạng”. Vậy điều đó đã được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
 
Ngay khi trở thành Đảng cầm quyền (năm 1945), trong nội bộ Đảng và chính quyền đã xuất hiện những hành vi của cán bộ, đảng viên trái với mục tiêu, đạo đức cách mạng. Đó là những hành vi trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là lầm lỗi của những người lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”, cần phải kiên quyết sửa chữa. Người khẳng định, Nhà nước ta từ Trung ương đến làng xã đều là công bộc của dân, chứ không phải “đè đầu” dân. Vì thế, Bác dặn việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh. Đây là tư tưởng rất lớn của Bác mà ngày nay chúng ta cần phải tiếp tục học tập và làm theo. Nếu lãnh đạo có tư tưởng “làm quan”, không chịu phục vụ, không chịu lắng nghe nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong nhân dân thì chứng tỏ có học nhưng chưa làm theo Bác. Việc làm theo phải bằng những việc cụ thể, thiết thực để tạo ra sự thay đổi.
 
Thế còn những điều Bác căn dặn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xa hoa, phô trương hình thức thì sao, thưa ông?
 
Bác rất phê phán căn bệnh phô trương, hình thức, lãng phí. Khi đó đã xuất hiện phong trào 3 xây, 3 chống ở miền Bắc. Ba xây là xây dựng tinh thần trách nhiệm trong lao động sản xuất, quản lý vật tư, quản lý tài chính còn ba chống là chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Một trong những điều Bác căn dặn là phải quan tâm lớn đến chống lãng phí. Đi đến đâu Bác cũng căn dặn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nếu không tiết kiệm thì như “gió vào nhà trống”. Bản thân Bác cũng nêu gương, từ ăn uống, đến chi tiêu cá nhân Bác đều tiết kiệm. Bác cũng luôn gương mẫu và căn dặn mọi người là ăn thì phải ăn hết, không để thừa, để thừa là 
lãng phí.
 
Bác cũng là người luôn chống căn bệnh phô trương, hình thức. Bác phát động Tết trồng cây rất thiết thực, chứ không hình thức như những gì đã diễn ra gần đây. Bác cũng nói, thi đua tránh phô trương. Đó là những điều thiết thực chúng ta cần phải học tập và làm theo một cách hiệu quả.
 
Đừng sống xa hoa, lãng phí
 
Những năm vừa qua, Đảng ta phát động phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng học nhưng không làm theo; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sống xa hoa với những “biệt phủ” này, “biệt phủ” kia… Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?
 
Hiện nay, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn là điều nhức nhối, đáng buồn, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân. Nhiều người có lối sống xa hoa, phô trương hình thức, thiếu ý thức và trách nhiệm nêu gương. Có cán bộ sống ở những khu vực đời sống nhân dân còn khó khăn, thế mà vẫn cứ xây “biệt phủ” tráng lệ, xa hoa. Điều đó không thể chấp nhận được.
Ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
Ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
“Biệt phủ”, dù nó có thể được xây dựng bằng những đồng tiền do cá nhân làm ra một cách chính đáng, nhưng là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo quản lý thì phải có trách nhiệm và ý thức nêu gương. Nếu không có ý thức, trách nhiệm nêu gương, tốt nhất hãy ra ngoài làm, khi đó muốn xây bao nhiêu biệt phủ cũng được. Khi còn trong tổ chức, là lãnh đạo quản lý, phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, trách nhiệm nêu gương.
 
Theo ông cần phải có giải pháp gì để nâng cao trách nhiệm, ý thức của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh?
 
Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần có chủ trương, giải pháp hành động mạnh mẽ, đồng bộ. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong việc học tập và làm theo Bác không thể chung chung mà phải bằng những việc làm cụ thể. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải có chương trình hành động và làm theo một cách cụ thể, rõ ràng. Nếu học tập chung chung, đi dự một vài hội nghị, nghe báo cáo chuyên đề… thì có khi học xong lại quên ngay. Học Bác cũng có nghĩa là học từ việc nhỏ đến việc lớn, học từ cách tiết kiệm đến lối sống không phô trương, hình thức.
 
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Những vi phạm về lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, “chạy chức, chạy quyền” phải được xem xét và xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hiện nay, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn là điều nhức nhối, đáng buồn, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân. Nhiều người có lối sống xa hoa, phô trương hình thức, thiếu ý thức và trách nhiệm nêu gương. Có cán bộ sống ở những khu vực đời sống nhân dân còn khó khăn, thế mà vẫn cứ xây “biệt phủ” tráng lệ, xa hoa. Điều đó không thể chấp nhận được.

Theo Tienphong