Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tạo thuận lợi cho người dân thực hiện tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại

20:29, 24/05/2018

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, hôm nay (24/5), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Thảo luận về dự thảo luật tố cáo sửa đổi, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh các việc làm sai phạm của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hoặc ngay cả qua mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và vi phạm pháp luật nói chung; đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Cùng với việc bổ sung hình thức tố cáo mới tại Điều 22 của dự thảo luật này, cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận, xác minh thông tin ban đầu về tố cáo để bảo đảm tính khả thi và tránh việc lạm dụng.

a
 Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng tố cáo là quyền Hiến định, do vậy Nhà nước cần tạo điều kiện cho công dân tố cáo và cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời đầy đủ. Ảnh: internet.

Về bảo vệ người tố cáo tại Chương 6 của dự thảo luật, các đại biểu cũng đề nghị mở rộng hơn nữa về đối tượng được bảo vệ và nội dung bảo vệ. Theo đó, ngoài bảo vệ người tố cáo, cần mở rộng đối tượng bảo vệ là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều nay, Quốc hội đã thảo luận về Luật cạnh tranh sửa đổi. Theo các đại biểu Quốc hội, không nên giao quá nhiều quyền cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia để tránh tình trạng xin cho, tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của nền kinh tế.

a
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ quan điểm tại phiên thảo luận.

Thảo luận về Luật Cạnh tranh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia cần hoạt động độc lập, không bị tác động từ bất cứ đơn vị nào. Chính vì vậy, để Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc là không phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn về quy định Những trường hợp được miễn trừ đối với hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm: “Đối với trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quay định tại Điều 14, dự thảo cần quy định các trường hợp miền trừ nếu đáp ứng được các điều kiện: thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng cường sức cạnh tranh hoặc thống nhất tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đối với các ý kiến về vấn đề này, tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Công Sỹ, quy định còn chung chung, chưa cụ thể, dễ tạo ra khoảng mờ trong cách hiểu và thực hiện của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cạnh tranh, bởi các tác động thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, tính cạnh tranh được xét trên toàn thị trường hay chỉ xét trên từng doanh nghiệp. Nếu chỉ xét trong phạm vi doanh nghiệp thì quá dễ, phạm vi miễn trừ sẽ rất lớn và nếu xét theo toàn thị trường thì ai sẽ là người đánh giá tác động này và dựa theo những tiêu chí nào để đánh giá. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn vấn đề này”.

Các đại biểu cũng bày tỏ sự tán đồng với quy định của Luật Cạnh tranh sửa đổi đã mở rộng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng cần có quy định cụ thể hơn. Theo các đại biểu quốc hội, cũng cần quy định rõ việc mua cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phần, tránh tình trạng các doanh nghiệp lớn đa quốc gia thực hiện các hợp đồng mua bán, sáp nhập ngoài lãnh thổ Việt Nam để tạo nên các doanh nghiệp có thị phần chi phối trong nước.

Lê Minh