Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

ĐBQH tỉnh Nghệ An cho ý kiến về việc khai tài sản trong Luật Phòng chống tham nhũng

18:52, 13/06/2018

Hôm nay (13/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trao đổi quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu nhấn mạnh, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Các đại biểu cho rằng, việc kê khai tài sản cần phải tiến hành thường xuyên để xác minh rõ nguồn gốc và tránh bỏ lọt đối tượng.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 13/6.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 13/6.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá, khó khăn nhất của phòng, chống tham nhũng hiện nay là kiểm soát tài sản. Nhưng trong thời gian vừa qua, việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng như việc kiểm tra, xác minh việc kê khai của các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn hình thức và chưa hiệu quả, do đó cần có quy định kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức một cách có hệ thống.

a
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ: “Tôi đồng tình với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập đối với công chức, viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm và làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một hướng đi cần thiết, để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai; Qua đó giúp việc kiểm soát được hiệu quả những biến động về tài sản thu nhập của họ khi thực hiện kê khai”.

Liên quan đến các quy định ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản, các đại biểu cho rằng cần hạn chế được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang.

Quan điểm của đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An: “Cần có quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng. Hiện nay theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thanh tra đã quy định việc cấm giao dịch, phong tỏa, kê biên tài sản tham nhũng nhưng vẫn còn chung chung, tùy nghi. Vì vậy, trong thực tiễn rất ít áp dụng các biện pháp này, từ giai đoạn thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử mà đa số vẫn đến giai đoạn thi hành án dân sự mới áp dụng.

Thực tiễn chứng minh cho đến giai đoạn thi hành án dân sự thì đa số tài sản đều đã được chuyển dịch và tẩu tán nên cần phải quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản ngay trong luật này. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan yên tâm thực hiện, nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản và tránh tùy tiện trong thực hiện nhiệm vụ”.

Nhận định con người mới là yếu tố quyết định sự thành công, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục Luật Phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân để giảng dạy tại các trường Trung học phổ thông nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước, tương lai của dân tộc./.

Lê Minh