Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Giáo dục phải thật sự là quốc sách cả trong tư duy và chiến lược

15:16, 14/06/2018

Bên lề hành lang phiên thảo luận toàn thể mới đây về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ĐBQH tỉnh Nghệ An Đinh Thị Kiều Trinh nhấn mạnh: Xây dựng Luật để ngành giáo dục bứt lên rất cần thiết, nhưng cần hơn những quy định của Luật, tư duy vĩ mô của những nhà quản lý giáo dục phải đổi mới, giáo dục phải thật sự là quốc sách cả trong tư duy và chiến lược.

Theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh – Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã thể hiện được tinh thần hội nhập, sửa chữa được một số nhược điểm, hạn chế của luật hiện hành cũng như bổ sung được một số vấn đề mới đặt ra đối với giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, với tính chất đạo luật gốc về lĩnh vực được xác định là “Quốc sách hàng đầu”, đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, dự luật còn quá nhiều vấn đề cần làm rõ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Đinh Thị Kiều Trinh. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Đinh Thị Kiều Trinh. Ảnh: Quốc hội

Thứ nhất, chính sách phân luồng học sinh là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện nay, nhưng chưa được quy định rõ trong dự thảo luật lần này, đặc biệt việc đẩy mạnh phân luồng sau giáo dục THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT theo quy định tại khoản 1, Điều 26; Đồng thời, tại khoản 1 điều này quy định độ tuổi cụ thể ở các cấp giáo dục không phù hợp như: Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi; tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi; tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi…

Mặt khác, điều kiện ‘‘Học sinh vào học lớp 6 phảo hoàn thành chương trình Tiểu học, vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp THCS’’ không cần thiết, bởi đây là điều đương nhiên. Thậm chí, chúng ta cần xem xét quy định mở để khuyến khích tạo điều kiện cho học sinh giỏi, xuất sắc có thể thi vượt rào, vượt lớp để rút ngắn thời gian học tập cũng như phát huy tài năng sớm, đóng góp cho quá trình phát triển nền kinh tế - xã hộ. Do vậy, cần nghiên cứu, chỉnh sửa lại điều này.

Thứ hai, tại khoản 2, Điều 29 quy định “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”. Vậy căn cứ như thế nào để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phụ huynh, học sinh, nhà trường có thể yên tâm học tập và công tác? Hơn nữa việc mỗi nơi chọn 1 sách giáo khoa, khi thi cử có khác biệt không? Chúng ta cần dự liệu rõ vấn đề này, bởi thực tế việc dạy và học hiện nay vẫn chủ yếu đang học thi vào các cấp.

Thứ ba, theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, quy định nâng trình độ đào tạo của giáo viên Tiểu học, THCS có trình độ Đại học tại điểm a, b, c khoản 1, Điều 77 là tất yếu và cũng là bước đột phá tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập đất nước. Bày tỏ băn khoăn lộ trình nào để chúng ta đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn Đại học, trong khi lực lượng giáo viên Tiểu học, THCS có trình độ Cao đẳng hiện nay rất nhiều? Hơn nữa, với các trường Cao đẳng, Cao đẳng sư phạm sẽ nằm ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân? Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị dự liệu rõ vấn đề này để khi áp dụng triển khai điều luật trong thực tế sẽ tác động lớn đến tổ chức, bộ máy, lực lượng giáo viên.

Thứ tư, liên quan đến vấn đề cần bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động giáo dục, trong sách giáo khoa, giáo trình, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh đưa ra dẫn chứng số liệu của Bộ Giáo dục – Đào tạo: Kết quả phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 với 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ giới chiếm 24%, còn lại 7% trung tính về giới. ‘‘Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt về cấp học, càng lên cấp học cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT; Hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong sách giáo khoa, chương trình giáo dục có thể làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được bình đẳng giới thực chất’’, bà Trinh phân tích.

Từ ví dụ thực tế đó, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định nghiêm cấm những nội dung, hình ảnh thể hiện định kiến giới, phân biệt đối xử về giới trong chương trình sách giáo khoa, các tài liệu giáo dục trong nhà trường được quy định tại Điều 23, 29 luật hiện nay. Bên cạnh đó, cần rà soát lại dự thảo luật vì các thuật ngữ chưa phù hợp văn phong pháp luật. Ví dụ, tại khoản 1, 3, 4 Điều 27 đều dùng cụm từ ‘‘tham gia vào cuộc sống lao động’’, cần sửa lại là ‘‘tham gia vào thị trường lao động’’.

‘‘Không chỉ tôi mà các ĐBQH khác đều rất quan tâm đến dự luật này, vì nó tác động trực tiếp đến câu chuyện học hành, trưởng thành của con em, góp phần quan trọng để định hình thế hệ tương lai của đất nước như thế nào. Thực tế, xây dựng Luật Giáo dục để ngành giáo dục bứt lên là rất cần thiết, nhưng cần hơn những quy định của Luật, tư duy vĩ mô của những nhà quản lý giáo dục cũng phải đổi mới. Giáo dục phải thật sự là quốc sách cả trong tư duy và chiến lược’’, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh nhấn mạnh./.

Diệp Anh