Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo động tình trạng mua bán bào thai ở huyện miền núi Kỳ Sơn

21:01, 11/01/2019
Thời gian gần đây, tình trạng mua bán bào thai diễn ra phổ biến trên địa bàn một số huyện miền núi. Một bào thai giới tính trai được trả khoảng 60 triệu đồng, giới tính gái được trả khoảng 80 triệu đồng. Mặc dù chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đã vào cuộc tuyên truyền, sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.

Khó khăn về kinh tế, tiền nợ ngân hàng đến kỳ phải trả khiến chị L.T.Q ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn đã bán đứa con trong bụng khi gần đến ngày sinh đẻ. Qua người môi giới vào cuối năm 2017, chị Q đã sang Trung Quốc sinh và bán ngay đưa con trai thứ 4 của vợ chồng khi chưa kịp nhìn mặt với giá 30 triệu đồng. Nói về quyết định này, chị Q cho biết: “Khi quyết định bán con, chồng không đồng tình nên tôi trốn sang bến đó để bán lấy tiền lo cho gia đình. Tôi chưa thấy mặt con nên không thấy nhớ, nhưng sẽ không có lần thứ 2 bán con vì sang bên đó không an toàn”.

Tình trạng mua bán bào thai ở huyện miền núi Kỳ Sơn có diễn biến phức tạp.

Trong hai năm 2017 và 2018, trên địa bàn xã Hữu Kiệm đã xác nhận được 22 trường hợp phụ nữ mang thai khi sắp đến kỳ sinh đẻ đã ra nước ngoài để bán. Đến nay, 21 người đã trở về, tình trạng bán bào thai chủ yếu xảy ra ở các bản của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Riêng bản Đỉnh Sơn 1 xác nhận có 10 trường hợp đã bán bào thai.

Trao đổi về vấn nạn buôn bán bào thai trên địa bàn xã, ông Nguyễn Hữu Lượng – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Rất khó giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Nguyên nhân thứ nhất do nhận thức của người dân địa phương, người Khơ Mú không xem nặng tình mẫu tử. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn đã tác động đến hành vi. Xã đã phối hợp để tuyên truyền, giao các đoàn thể giám sát những người đang mang thai để hạn chế nạn bán bào thai”.

Đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức kém... dẫn đến hành vi tự nguyện bán con.

Sau xã Hữu Kiệm, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cũng xác nhận có 20 phụ nữ mang thai trốn ra nước ngoài để sinh đẻ. Những bà mẹ này đều là hộ nghèo có chồng hoặc người thân bị nghiện ngập, không có việc làm ổn định, nhận thức xã hội, pháp luật có nhiều hạn chế.

Trao đổi về tình trạng này, Thượng tá Tô Văn hậu – Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: “Tình trạng buôn bán bào thai xảy ra đã 2 năm nay. Do Bộ luật hình sự chưa có qui định rõ nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc tổ chức các chyên án để đấu tranh, công an huyện cũng tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trước vấn nạn này”.

Triệt phá các đường dây mua bán người để ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai.

Điều đáng buồn là những phụ nữ đã bán con đều rất vô cảm và cho rằng việc bán bào thai là chuyện bình thường, bán để có tiền trang trải cho cuộc sống đang gặp khó khăn. Để ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai, ngoài việc tăng cường tuyên tuyền, lực lượng chức năng cũng cần nỗ lực triệt phá các đường dây mua bán người trong thời gian sớm nhất./.

Nhóm PV