Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bước đột phá trong công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Tân Kỳ

10:47, 03/01/2019
Con số 2.429 hộ thoát nghèo trong năm 2018 của huyện Tân Kỳ là minh chứng thuyết phục, đã khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Điều quan trọng hơn đó chính là ý thức vươn lên của mỗi người dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhi ở Khối 7 Thị Trấn Tân Kỳ có hoàn cảnh éo le, chồng bị bệnh hiểm nghèo qua đời, hiện 1 mình chị phải chăm lo cho 2 con ăn học. Không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập bấp bênh, đầu năm 2018 UBMTTQ Thị Trấn đã hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng để buôn bán hàng tạp hóa. Nhờ chăm chỉ, chịu khó vừa buôn bán vừa phát triển chăn nuôi nên cuộc sống gia đình chị đã đỡ vất vả. Vừa qua chị đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. 

“Là hộ nghèo, bản thân tôi luôn nỗ lực vươn lên và vừa qua bản thân tôi đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho những hộ còn khó khăn hơn gia đình mình" - chị Nhi chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nhi ở khối 7 Thị Trấn Tân Kỳ mở cửa hàng tạp hóa mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Nhi ở khối 7 Thị Trấn Tân Kỳ mở cửa hàng tạp hóa mưu sinh.

Năm 2018, Thị trấn Tân Kỳ có 9 hộ đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,54%. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các hộ dân cùng với cách làm của địa phương là giao trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể đảm nhận giúp đỡ từng gia đình hội viên.

9 lá đơn xin thoát nghèo tại Thị trấn.
9 lá đơn xin thoát nghèo tại Thị trấn.

“ Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi vậy chúng tôi đã rà soát lại đối tượng hộ nghèo, giao trách nhiệm một cách cụ thể rõ ràng cho các tổ chức đoàn thể đảm bảo giúp đỡ từng hội viên, làm tốt công tác tuyên truyền giúp hộ nghèo có ý chí vươn lên" - bà Tăng Thị Nhung, Phó chủ tịch UBND Thị Trấn Tân Kỳ cho biết thêm.

Tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ trong năm 2018 cũng đã nỗ lực làm tốt công tác giảm nghèo. Xuất phát từ điều kiện thực tế, mỗi địa phương có cách làm riêng, tuy nhiên đều chú trọng đến công tác tuyên truyền giúp mọi người dân có ý thức tự lực vươn lên, không trồng chờ ỷ lại. Đồng thời nắm bắt nhu cầu của từng hộ nghèo để có sự hỗ trợ thiết thực. Điển hình như xã Tân Hương, Tân Hợp, Nghĩa Bình…

Từ vốn vay ưu đãi gia đình chị Thái Thị Vinh ở xóm 8 xã Tân Hương phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.

" Là xã đặc biệt khó khăn nên từ các nguồn vốn của cấp trên hỗ trợ cho hộ nghèo thì chúng tôi đã chọn ra các hộ đúng đối tượng, ví dụ như hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi thì hỗ trợ con giống, hộ có điều kiện phát triển cây trồng thì hỗ trợ cây trồng, hỗ trợ làm nhà ở, cho vay vốn lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, chính vì thế đã phát huy hiệu quả và thứ hai nữa là các thành viên trong ban chỉ đạo giảm nghèo tăng cường công tác giám sát, chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cho bà con nên năm 2018 xã Tân Hợp hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, đặc biệt có 5 hộ viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo" - ông Nguyễn Bá Mão- Chủ tịch UBND xã vùng cao Tân Hợp huyện Tân Kỳ trao đổi.

Lãnh đạo huyện Tân Kỳ đã trao bò giống hỗ trợ hộ nghèo ở xã Hương Sơn.
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ đã trao bò giống hỗ trợ hộ nghèo ở xã Hương Sơn.

Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Bởi vậy, Tân Kỳ đã triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2018, huyện Tân Kỳ đã tổ chức nhiều điểm tư vấn giảm nghèo, xuất khẩu lao động, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Kết quả năm 2018, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 2.450 lao động, trong đó xuất khẩu lao động sang các nước là 1.510 người.

Đại diện công ty doanh nghiệp tư vấn việc làm cho người dân Tân Kỳ tại phiên giao dịch việc làm.
Đại diện công ty doanh nghiệp tư vấn việc làm cho người dân Tân Kỳ tại phiên giao dịch việc làm.

Cùng với đó, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương đã cấp cây giống, con giống, hỗ trợ làm nhà ở, công trình phụ trợ cho các hộ nghèo. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động. Với cách làm này, cuối năm 2018, Tân Kỳ có 2.429 hộ thoát nghèo, giảm 3,63%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6,48%. Đây sẽ là bước đệm để Tân Kỳ tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo trong những năm tiếp theo.

Người lao động Tân Kỳ được giới thiệu việc làm phù hợp.
Người lao động Tân Kỳ được giới thiệu việc làm phù hợp.

“Thời gian tới huyện tiếp tục tập trung bằng nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thứ nhất huyện sẽ tổ chức các hội chợ việc làm tạo cho người lao động tìm được việc làm phù hợp, thứ hai nữa là sẽ phát triển các mô hình kinh tế để các hộ gia đình tham gia làm ăn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo gắn với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, cái thứ ba là huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ tư vấn giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động” - ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết.

Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Tân Kỳ hỗ trợ dê sinh sản cho hộ nghèo Nguyễn Thị Tuyết xóm Nghi Lộc xã Tân An
Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Tân Kỳ hỗ trợ dê sinh sản cho hộ nghèo Nguyễn Thị Tuyết xóm Nghi Lộc xã Tân An.

Năm 2018 huyện Tân Kỳ đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra.  Đặc biệt ấn tượng là 56 lá đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của các hộ dân. Đây là tín hiệu vui để quê hương Tân Kỳ ngày càng khởi sắc, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhân lên nhiều hộ giàu hộ khá, tạo đà vững chắc để Tân Kỳ đi lên trở thành huyện khá ở miền Tây Nghệ An./.                                                 

Cẩm Tú - Trọng Hùng