Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đi đền, chùa đầu năm - phong tục đẹp, lễ sao cho đúng?

19:26, 07/02/2019
Thông thường đi lễ chùa, đền, phủ, người ta thường hái lộc đầu Xuân, là những búp chồi non. Nhưng không phải cứ ra sân chùa hái mang về...

Khi kim đồng hồ nhích dần về phía 12 giờ đêm Giao thừa, ngôi chùa Dâu nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội càng đông người đến chiêm bái, lễ Phật, không gian chùa càng trở nên ấm cúng, linh thiêng. Khói hương trầm hòa quyện với khí Xuân đang tràn về giữa tiết trời se lạnh khiến ai ấy đều bồi hồi trong khoảnh khắc chuẩn bị bước sang năm mới.
Kính cẩn khấn trời Phật bên lư hương đặt ở sân chùa, chị Hoàng Như Lan, trú tại tổ 25, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cầu mong sang năm mới gia đình được bình an, mọi công việc được thuận lợi.
Không phải riêng năm này hay năm trước, mở cửa cho người dân trong vùng tới lễ chùa đêm 30 Tết và lúc giao thừa là công việc hàng năm của chùa Dâu và các chùa, đền, phủ khác. Và lễ chùa lúc sang canh cũng là truyền thống, là nét đẹp trong đời sống văn hóa từ bao đời nay của người Việt.
Người ta tới chùa để mang tâm nguyện cầu mong sự tốt lành cho năm mới, rồi mang theo niềm vui, niềm tin và chút lộc chùa về nhà vào những giờ phút đầu tiên của năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lộc chùa có thể là những búp non được hái từ cây trong chùa hay từ những cây lộc được bán ngoài cổng chùa. Thậm chí, nhiều chùa còn phát lộc cho người dân lúc ra về như ban thêm sự may mắn cho họ, dù món lộc rất nhỏ như bao diêm, gói muối.
Sư thầy Thích Đàm Nghiêm, trụ trì chùa Quang Hoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Giao thừa năm nào người dân tới lễ chùa cũng khá đông, dù khu vực này là cả một cụm ba chùa Quang Hoa, Pháp Hoa và Thiền Quang. Nhà chùa cũng vì thế phải chuẩn bị chu đáo để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, mở cửa từ sáng 30 Tết qua giao thừa đến tận 2 – 3 giờ sáng.
Không lễ chùa lúc giao thừa nhưng năm nào cũng vậy, bác Nguyễn Thị Gấm, trú tại phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đều đi lễ đền, chùa vào sớm mùng một Tết. Năm nay, khi chuẩn bị cơm cúng của gia đình xong, bác Gấm giao nốt những việc còn lại cho chồng và các con rồi ra lễ đền Ngọc Sơn. Đường phố ngày đầu năm vắng lặng, thanh bình gợi nhớ cho bác những kỷ niệm về thời ấu thơ cũng thường hay theo bà, theo mẹ lễ chùa đầu năm.
Đến nay, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bác vẫn giữ thói quen ấy và với bác, đó là những phút giây vô cùng thiêng liêng, quý giá trong những ngày đầu năm mới. Hơn 8 giờ sáng, đền Ngọc Sơn rất đông người đến lễ. Hòa vào dòng người, bác Gấm vào đền cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mình và người thân trong năm mới.
Không như các di tích khác, đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt do vậy đêm giao thừa đền không mở cửa cho người dân vào lễ mà chỉ mở cửa vào 7 giờ sáng ngày mùng 1 Tết đến 18 giờ tối và các ngày tiếp theo cũng vậy.
Ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng phòng quản lý di tích thuộc Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, trong các ngày mùng 1, mùng 2 Tết khách đến lễ đền rất đông, ước cả hai ngày tới hơn 3 vạn lượt người. Đông đến mức như năm ngoái, lực lượng chức năng trong đền phải điều tiết, thỉnh thoảng đóng cửa đền 5 – 10 phút mỗi lượt để giãn mật độ khách vào trong đền. Trong ba ngày 30 Tết, mùng 1 và mùng 2, Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội không thu phí vào cửa để tạo điều kiện cho bà con vào lễ dịp năm mới.
Riêng trong ngày 30 Tết, đền Ngọc Sơn chỉ mở đến 10 giờ sáng sau đó phải đóng cửa đền để vệ sinh đón năm mới. Cũng do lượng khách đông nên lực lượng bảo vệ đền trong những ngày Tết phải tăng gấp đôi quân số, lực lượng cán bộ ứng trực 100%, đồng thời vất vả trong việc hướng dẫn người dân thực hiện văn minh nơi thờ tự, vệ sinh không gian di tích, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách.
Bàn về lễ chùa đầu năm, nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, người ta có thể đi lễ chùa đầu Xuân từ giữa tháng Chạp vì các đền, chùa, phủ thường làm lễ tất niên vào đầu tháng 12 (từ mùng 5 đến mùng 10) bởi quan niệm của các nhà chùa không muốn “đóng cửa” vào ngày Tết. Nhà chùa đón Xuân xong sẽ mở cửa đón thập loại chúng sinh trong những ngày đầu năm.
Người dân vào lễ chùa đầu năm hầu hết đều cầu lộc thanh khiết, không mưu cầu lộc vật chất theo kiểu tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố. Bởi Phật không hướng con người tới thế giới vật chất mà hướng con người đến trí tuệ, cuộc sống thanh cao.
Thông thường đi lễ chùa, đền, phủ, người ta thường hái lộc đầu Xuân, là những búp chồi non. Nhưng không phải cứ ra sân chùa hái mang về mà người nhà chùa với một tâm thánh thiện họ đã hái rồi đưa lên bàn thờ để các thần linh, đức Phật chứng giám, khi người đến lễ xin về thì chút lộc ấy mới có quả phúc.
Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền cũng cho rằng, lúc gần giao thừa, thời điểm sang trang của một chu trình thời gian khép kín, người ta cần đi lễ chùa trước để đem khí thiêng của Đức Phật trở về nhà. Khi mở cửa, khí Xuân ùa vào nhà, thắp nén hương thơm, khói hương bay cuộn lại như sự tích tụ của thần linh, tổ tiên cùng sum họp với con cháu trong giao thừa.
Ngày mùng một người ta cũng có thể đi lễ Phật với tâm thanh, lòng tĩnh, thành tâm hướng về Phật đài. Bởi vậy, khi đến chùa phải trang nghiêm từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, luôn nghĩ đến điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người.
Vào chùa, người ta phải vào cửa bên trái chùa và ra ngược lại theo cửa bên kia, có nghĩa người ta đi ngược chiều kim đồng hồ theo chiều quay của chữ Vạn.
Lễ chùa nhất thiết phải lễ Đức ông trước sau đó mới vào điện Phật và tay phải chắp để giữa ngực, không vái lia lịa, không cầu xin vật chất mà cầu xin những điều tốt đẹp, sử dụng những tiếng vô thanh và đặc biệt không đặt tiền trần gian lên bàn thờ.
Đứng trước ban thờ Phật có nghĩa chúng ta đứng trong dòng chảy sinh lực của vũ trụ, con người sẽ được hưởng hạnh phúc nếu tâm trong sáng và tin rằng sau lễ đầu Xuân, một năm hạnh phúc, viên mãn sẽ đến với mọi nhà.

Theo Thể thao&Văn hóa