Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
.

Nghệ sỹ ưu tú Song Thao: Cơ duyên 3 lần được gặp Bác và hát về Bác

16:46, 27/05/2019
Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Song Thao – người con quê lúa Yên Thành vẫn mãi mãi không bao giờ quên những kí ức đẹp đẽ cùng niềm tự hào, xúc động trong cuộc đời nghệ sỹ của mình - Đó là 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu và đặc biệt hơn, bà là người đầu tiên trình bày ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”, chỉ một ngày sau khi Bác mãi mãi đi xa.
 

Đã  hơn 50 năm trôi qua nhưng Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Song Thao – người con quê lúa Yên Thành vẫn mãi mãi không bao giờ quên những kí ức đẹp đẽ cùng niềm tự hào, xúc động trong cuộc đời nghệ sỹ của mình - Đó là 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu và đặc biệt hơn, bà là người đầu tiên trình bày ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”, chỉ một ngày sau khi Bác mãi mãi đi xa.

 

Năm 1959, khi ấy NSƯT Song Thao vừa tròn 17 tuổi, bà vào đoàn Văn công Nghệ An. Ở đoàn, Song Thao vừa hát ca khúc, hát chèo, vừa diễn kịch. 
Cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, Đoàn văn công Nghệ An cử một số anh chị em phối hợp với Đoàn văn công Quân khu IV tập luyện để biểu diễn cho Bác xem.

 

“Lần đó, tôi cũng may mắn được chọn trong số anh chị em của Đoàn văn công Nghệ An biểu diễn cho Bác xem tại hội trường Công an Vũ trang Nghệ An. Lần đầu tiên được gặp Bác, tôi rất xúc động, đứng trong cánh gà cứ nhìn ra để thấy Bác rõ hơn. Khi đoàn biểu diễn xong rồi, anh chị em nghệ sỹ vẫn đang đứng trên sân khấu, Bác ở dưới sân khấu cầm một giỏ kẹo đi lên phát cho từng người một” – NSƯT Song Thao nhớ lại.

 

Lần thứ hai NSƯT Song Thao được gặp Bác, đó là vào năm 1965, khi bà 23 tuổi. Thời điểm này, liên hoan Tiếng hát chống Mỹ cứu nước được tổ chức ở thủ đô Hà Nội. Một lần nữa may mắn đã mỉm cười với Song Thao khi bà được chọn đi tham dự hội diễn. 
Trong quá trình dự hội diễn, các đoàn được chọn 2-3 người đến xem triển lãm các thành tựu của dân tộc miền Bắc được tổ chức tại Tràng Tiền, Hà Nội. NSƯT Song Thao cùng với 2 nghệ sỹ khác là Y Dở và Y Dìa của đoàn Nghệ An được chọn đi dự triển lãm. 
Trong lúc mọi người đang đứng ở tầng 1 để xem triển lãm thì bất ngờ Bác đến. Trông thấy Bác, ai cũng vui mừng, tất cả đều ùa lại chào và ôm Bác, cùng Bác đi từ tầng 1 lên tầng 2 để xem triển lãm. Rồi tất cả cùng Bác, ngồi xuống xem “đèn chiếu” các đoạn phim ngắn về miền núi. Xem xong, Bác hỏi thăm từng người, quê quán ở đâu, công việc thế nào – Nghệ sỹ Song Thao nhớ lại.

 

Một điều bất ngờ với NSƯT Song Thao khi Bác hỏi: “Cháu người ở mô?”, bà trả lời “Cháu người Nghệ An”. Ngay lúc đó, Bác nói với bà một câu rất đỗi gần gũi, thân thương: “Cháu là người Nghệ An thì cũng là con cháu của Bác cả”. Sau đó, Bác còn trò chuyện thêm với anh chị em nghệ sỹ, những lời hỏi thăm rất giản dị, thân tình. Nói xong, Bác nói với mọi người “Ta đứng dậy đi nhé”. 
Trong chốc lát, Bác nhanh nhẹn đi xuống tầng 1. Khi mọi người đi xuống thì không trông thấy Bác đâu nữa, người nào cũng mang một tâm trạng tiếc nuối bởi những giây phút thiêng liêng được ở bên Người quá ít ỏi.

 

Vào cuối năm 1965, sau khi tham gia Liên hoan Tiếng hát chống Mỹ cứu nước xong, Đoàn Nghệ An và Hà Tĩnh ở lại biểu diễn phục vụ cho nhân dân Hà Nội và vinh dự chọn vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác nghe. Lúc đó đoàn Nghệ An gồm có 4 người đó là: bà, Y Dở, Y Dìa và bà Thanh Xuân, còn đoàn Hà Tĩnh là các nghệ sỹ Thanh Hòa, Hồng Loan và Xuân Năm. 
Bà nhớ như in từng câu, từng lời trong điệu Ví Giặm mà mình đã cất lên cho Bác nghe lúc đó “ Ơ...ơ..ơ..ai biết nước sông Lam răng là trong...là đục..chơ ai biết...cuộc đời, răng là nhục, là vinh...Chơ thuyền em lên thác xuống.. ơ ..ghềnh, nước non là..ơ..nghĩa..là tình...mà ai ơi...
Khi các nghệ sỹ biểu diễn xong, tất cả được ngồi xung quanh và trò chuyện với Bác, ai nấy đều cảm thấy vô cùng vui mừng. 

 

Trong câu chuyện vui cùng anh chị em nghệ sỹ, Bác kể về thuở ấu thơ - nơi Người thường được nghe những câu hát phường vải, phường nón vào những đêm hội làng, cũng vì thế mà Bác thêm yêu câu hò, điệu Ví quê nhà. Bất chợt Bác quay sang nói với nghệ sỹ Song Thao: Lúc nãy cháu hát là “nước sông Lam” nhưng ngày xưa các cụ nói là “nác sông Lam” đó cháu ạ!  “Tôi bất ngờ và vô cùng xúc động, bởi sự gần gũi và giản dị của Bác” – Nghệ sỹ Song Thao nhớ lại.

 

NSƯT Song Thao là người đầu tiên thể hiện ca khúc nổi tiếng: “Trông cây lại nhớ đến Người”. 50 năm đã trôi qua, nhưng bà vẫn rất xúc động khi nhắc về thời điểm lần đầu trình bày bài hát “đặc biệt” này.
Bà nhớ lại: "Đó là tháng 9/1969, lúc đó tôi cùng anh chị em nghệ sĩ đi tập huấn ở Hà Nội chuẩn bị cho chuyến lưu diễn nước ngoài, cả đoàn rất hy vọng được gặp Bác Hồ lần nữa. Thế nhưng, khi mọi người đang say sưa luyện tập thì nhận tin Bác mất. Quá đột ngột, tất cả đều bật khóc, ai cũng mang tâm trạng đau buồn như vừa mất đi một người thân yêu ruột thịt của mình".

 

Đúng lúc này, bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” được nhạc sỹ Đỗ Nhuận cải biên từ làn điệu dân ca “Giận mà thương” của Nghệ Tĩnh vừa  hoàn thành. Ông đã tìm gặp Song Thao và 2 người chỉ có 15 phút để luyện tập, sau đó thu âm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. 

 

Cả hai anh em tập bài hát trong nước mắt bởi sự mất mát quá lớn. Sau đó, chúng tôi đến Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm cho kịp phát trong ngày Quốc tang. Quá trình thu âm, dù nghẹn ngào nhưng tôi vẫn phải cố kìm nén cảm xúc để thể hiện trọn vẹn ca khúc” – Nghệ sỹ Song Thao xúc động kể lại.

 

Đến đây bà ngừng lại, cất vang: “À..ơ… Trông cây lại nhớ đến Người...rừng bao nhiêu cây mọc ...thì tôi lại ơn Người bấy nhiêu…” Giọng hát của bà vẫn còn cao vút, ngọt ngào và gửi gắm bao nhiêu tình cảm thương nhớ người Cha già vĩ đại của dân tộc, như thuở còn đôi mươi bà đã từng hát...

 
 
 

 

Lưu Đăng

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm