Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An
NTV-Emagazine
.

Vụ bãi Tư Chính: Tỉnh táo đấu tranh với mưu đồ “nuốt trọn” Biển Đông

08:40, 07/08/2019
Trung Quốc từ lâu đã nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông và luôn tìm đủ mọi cách để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý với vùng biển này.

“Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế”, đây là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi được hỏi về vụ việc các tàu của Trung Quốc có hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Từ đầu tháng 7/2019 tàu Hải dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc được sự hộ tống của các tàu Hải giám và một số tàu dân quân biển đã tiến hành thăm dò địa chất trong khu vực bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vị trí này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam vốn đã được xác định bởi Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tháng 5/1977 và được khẳng định trong Luật Biển Việt Nam 2012.

Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, trước sự việc nghiêm trọng này, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế”.

Cuộc đối đầu lần này là sự tiếp nối của các sự kiện đã xảy ra từ năm 1992 khi Trung Quốc ký Hợp đồng cho phép Crestone (Mỹ) thăm dò khai thác trên vùng biển rộng 25.000 m2 chồng lên bãi ngầm Tư Chính (Hợp đồng này tới năm 1995 đã được Crestone nhượng lại cho Công ty Trung Quốc). Trung Quốc cho rằng vùng này thuộc phạm vi 200 hải lý của quần đảo Trường Sa và nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” mà nước này tự ý vẽ ra. Ngày 19/5/1992, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã yêu cầu tổ chức này phân phát công hàm của Việt Nam tới các nước thành viên phản đối việc làm phi lý của Trung Quốc, khẳng định bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ đất liền Việt Nam, và không phải trên thềm lục địa Trường Sa.

Tại đây, năm 1989, Việt Nam đã xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật DK1 thuộc địa phận hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để khẳng định các quyền của mình theo UNCLOS 1982. Việt Nam cũng cùng với Malaysia đệ trình hồ sơ chung về ranh giới thềm lục địa kéo dài ngoài 200 hải lý từ lãnh thổ đất liền bao gồm cả Tư Chính lên Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009, trước thời hạn cuối cùng mà UNCLOS 1982 yêu cầu các nước thành viên thực hiện ngày 13/5/2009.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách đường lưỡi bò và tìm mọi cách ép buộc Việt Nam chấp nhận sáng kiến “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” tại khu vực này. Trung Quốc cũng không có báo cáo ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý trước Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. Năm 2017, căng thẳng lên đến cao trào khi Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để công ty Respol (Tây Ban Nha) không được tiến hành hợp đồng thăm dò dầu khí đã ký với Việt Nam.

Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 ngày 12/7/2016 đã ra phán quyết lịch sử đối với vụ kiện của Philippines. Kết luận của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ kiện do Philippines khởi xướng đã bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông, bác bỏ yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ ra.

Phán quyết này ủng hộ các quốc gia ven biển như Việt Nam, Philippines mở rộng hết mức vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình do các đảo Trường Sa không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Phía trước vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là biển cả, và không tồn tại bất kỳ vùng biển chồng lấn nào với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam không có nghĩa vụ đàm phán phân chia vùng biển này với bất kỳ nước nào.

Khu vực bãi Tư Chính cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 600 hải lý, tức gấp 3 lần vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên khó có thể bị coi là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Địa hình Thềm lục địa khu vực này cho phép Việt Nam được quyền mở rộng ngoài 200 hải lý đến vị trí mà Uỷ ban ranh giới thềm lục địa khuyến nghị.

Việt Nam đã thể hiện quan điểm ủng hộ quyền tài phán của Toà khi cho rằng các đảo tại Trường Sa không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và thực tế hồ sơ chung về ranh giới thềm lục địa Việt Nam-Malaysia 2009 được xây dựng trên quan điểm này.

Ngược lại Trung Quốc thi hành chính sách “không chấp nhận quyền tài phán của Toà, không chấp nhận phán quyết và không thi hành phán quyết”. Với hành động mới này, Trung Quốc khư khư giữ “đường lưỡi bò”, tiếp tục bác bỏ phán quyết, đi ngược lại giải thích luật biển quốc tế được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

“Hoạt động của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Việt Nam và các nước trong khu vực hợp tác với các nước lớn khác, gây sức ép buộc nhà thầu nước ngoài như Nga, Nhật Bản rút lui để Việt Nam và các nước trong khu vực bắt buộc chấp nhận sáng kiến gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc. Sáng kiến này được các học giả quốc tế bình luận: Thực chất là phương thức biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển và phân định biên giới nhận định về vụ việc bãi Tư Chính.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng không phải là ngẫu nhiên mà là phản ứng có tính toán đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và việc Washington tăng cường “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông – một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại vận chuyển bằng tàu qua lại mỗi năm.

Giáo sư Thayer cho rằng, Trung Quốc đang rất tích cực trong việc cản phá các nước láng giềng khai thác dầu khí ở Biển Đông nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh và cũng không muốn các nước trong khu vực có mối quan hệ hợp tác với nước ngoài để làm việc đó.

“Việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám (Chiến lược này có 2 đặc trưng căn bản. Thứ nhất là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng. Thứ hai là từ từ tịnh tiến. – ND) chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và đẩy lùi”, ông Thayer viết. “Điều này mang đến rủi ro rằng các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang”.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học biển trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia ven biển, theo điều 56, 77 và 246 của UNCLOS 1982. Mọi hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trên các vùng biển này cần có sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, các quốc gia ven biển cần tỉnh táo, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của UNCLOS 1982 cũng như phán quyết của Toà trọng tài, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, chống lại mọi động thái đe doạ sử dụng và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhằm xây dựng một trật tự pháp lý trên biển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Các vùng biển của một quốc gia ven biển theo quy định luật pháp quốc tế. Infographic: Quang Huy

Về khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền với Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao lưu ý, các Toà quốc tế không có thẩm quyền xét xử các tranh chấp chủ quyền nếu không có sự đồng thuận của các bên tranh chấp. Các Toà này cũng không có cơ quan thi hành án như các toà quốc gia.

“Việc thực thi phán quyết dựa trên thiện chí của các bên vì vậy cần có thời gian nhận thức và đấu tranh thực thi phán quyết của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả đấu tranh ngoại giao, truyên truyền, pháp lý. Một yêu cầu kiện mới lên Toà với những nội dung tương tự (như vụ Philippines kiện Trung Quốc) sẽ có kết quả tương tự. Vấn đề chính là phán quyết phải được thực thi. Các bên phải đàm phán giải quyết tận gốc các tranh chấp”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao nói.

“Diễn đàn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn là một giải pháp đấu tranh nhằm xây dựng sự đoàn kết giữa các quốc gia chống lại mọi hành động sử dụng vũ lực, de doạ sử dụng vũ lực; trong khi chờ đợi một giải pháp cuối cùng các bên kiềm chế không làm gì phức tạp thêm tình hình. Cần kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phi pháp trên các vùng biển được xác định hợp pháp theo UNCLOS 1982. Cần xây dựng quốc phòng và lực lượng thực thi pháp luật trên biển đủ mạnh hoàn thành nhiệm vụ”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao nói thêm.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về “sự cố nghiêm trọng” tại Biển Đông. Ảnh: Quang Trung.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về “sự cố nghiêm trọng” tại Biển Đông. Ảnh: Quang Trung.

Có cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, Giáo sư Thayer nhấn mạnh, Việt Nam cần cho quốc tế thấy mình đã hết sức nỗ lực sử dụng các cuộc trao đổi ngoại giao với Trung Quốc nhưng không có kết quả. Việt Nam cũng cần kiên trì kêu gọi tiếng nói của cộng đồng quốc tế thông qua vận động ngoại giao đối với các nước thành viên ASEAN, các cường quốc và các quốc gia biển khác trong việc lên án các hành vi của Trung Quốc; tăng cường hợp tác trong hoạt động chấp pháp biển với các nước đối tác, như Mỹ và Nhật Bản, thông qua diễn tập chung tại các vùng biển gần Bãi Tư Chính.

Mặc dù Trung Quốc luôn nói không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Trong video có thể thấy Trung Quốc đã thiết lập đường băng dành cho máy bay, bố trí thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Nguồn video: WSJ

Gợi ý thêm về cách giải quyết căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao cho rằng các nước yêu sách trong khu vực có thể học hỏi Guatemala và Benize trong việc dân chủ hoá tranh chấp. Hai nước này đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc đưa tranh chấp phân định biển tồn tại trăm năm giữa hai nước ra trước Toà án Công lý quốc tế. Guatemala đã chính thức thông báo với Toà kết quả trưng cầu dân ý và thỏa thuận đặc biệt với Benize vào ngày 22/8/2018 và Belize cũng thực hiện bước đi tương tự vào ngày 7/6/2019. Hai thông báo này đã tạo thẩm quyền cho Toà xem xét vụ viêc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân của hai quốc gia tranh chấp đã thể hiện sự tin tưởng của mình với sự công tâm của Toà án giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế.

“Nhân dân các nước xung quanh Biển Đông cũng có thể thể hiện sự tin tưởng của mình thông qua hình thức trưng cầu dân ý đưa vụ tranh chấp Biển Đông ra trước Toà. Đó là một trong những cách giải quyết văn minh, phù hợp luật quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao nói nhưng lưu ý, giải pháp này đòi hỏi sự nhận thức đồng đều luật quốc tế của người dân tại các nước tranh chấp, tạo sức ép với các chính phủ phải tôn trọng và thực thi luật quốc tế./.

Nội dung: Hùng Cường | Đồ Họa: Hà Phương 
Kỹ thuật: Tuấn Linh

Báo điện tử VOV

Xem thêm bình luận

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm