Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bất cập thừa và thiếu giáo viên

11:22, 07/10/2016

Chuyện giáo viên bộ môn Văn - Sử phải đứng lớp trong giờ Sinh, Hóa ở trường THCS Diễn Lợi - Diễn Châu không đơn thuần là một câu chuyện đơn lẻ về thiếu cục bộ giáo viên ở một ngôi trường, mà đây là thực trạng chung, còn bất cập trong sắp xếp, bố trí giáo viên hiện nay ở một số trường học trong tỉnh. Muốn cải cách, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.

[links()]

Việc điều động các giáo viên dạy bộ môn xã hội đứng lớp trong giờ học Sinh, Hóa tại trường THCS Diễn Lợi trong thời gian qua đã khiến cho nhiều phụ huynh hết sức lo lắng. Những gì mà phụ huynh và học sinh nơi đây mong muốn không có gì quá xa vời, mà chỉ đang nằm trong phạm vi, giới hạn cho phép, đó là quyền được tiếp thu kiến thức từ những thầy cô giáo đúng chuyên môn. Bà Nguyễn Thị Bảy – Phụ huynh học sinh lớp 9 trường THCS Diễn Lợi cho hay: Con chúng tôi có nguyện vọng là có một GV đúng chuyên để dạy cho các cháu hiểu. Chúng tôi mong Phòng GD, Sở GD&ĐT chuyển về cho trường Diễn Lợi một số GV môn tự nhiên để các cháu có thể nắm được kiến thức.

Giáo viên môn văn chỉ quản lý trật tự trong giờ Sinh học của lớp 9C trường THCS Diễn lợi
Giáo viên môn Văn đứng lớp giờ Sinh tại lớp 9C - trường THCS Diễn Lợi - Diễn Châu

Qua tìm hiểu cho thấy, Trường THCS Diễn Lợi có 9 lớp ở 4 khối thì có tới 9 giáo viên dạy môn văn, trong khi số lượng các giáo viên bộ môn tự nhiên lại rất khiêm tốn. Như vậy, về quân số giáo viên, chưa hẳn trường đã thiếu. Và không riêng gì ở Diễn Lợi mà tình trạng thừa giáo viên ở một số bộ môn ở Diễn Châu đã có từ trước đó. Hiện nay, ở Diễn Châu, cấp THCS còn dôi dư tới 191 giáo viên so với biên chế, vị trí việc làm được tỉnh giao.  Ông Phạm Xuân Sánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu thừa nhận: Việc thiếu giáo viên bộ môn Sinh, Hóa cũng là do sự mất cân đối giữa các bộ môn. Hiện tại, trên địa bàn huyện thì các bộ môn xã hội thì thừa, còn bộ môn tự nhiên thì đang thiếu cho nên còn có những bất cập trong việc bố trí các bộ môn trong giảng dạy.

Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên như thế này thì việc điều động, biệt phái hay đào tạo lại, tập huấn thêm chuyên môn phụ cho các giáo viên đã được thực hiện. Nhưng liệu đó đã phải là giải pháp tối ưu và phù hợp với một lĩnh vực mang tính đặc thù như giáo giục hay y tế hay chưa. Bởi cái học sinh cần là sự truyền thụ kiến thức mang tính chuyên sâu chứ không phải là một giáo viên quản lý bộ môn hời hợt từ một vài buổi tập huấn.

Học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa do không có giáo viên dạy
Những học sinh này mong muốn có giáo viên đúng chuyên ngành để nắm được kiến thức cơ bản

Ông Ngô Quang Long – Trưởng phòng GD&ĐT Huyện Diễn Châu cho biết: Bố trí giáo viên trên cơ sở số lớp để tính toán số giáo viên bộ môn theo thực tế và điều kiện đội ngũ đó. Trong trường hợp còn thiếu thì phòng điều động tăng cường hoặc biệt phái. Đặc thù của giáo viên cấp 2 là đào tạo 2 môn, như hóa – Sinh, Toán – Lý, Văn - Sử, Sinh - Địa thì nhà trường lựa chọn những bộ môn gần chuyên môn để cho đi bồi dưỡng và khắc phục vào chỗ thiếu trong tình trạng điều kiện giáo viên chưa được đầy đủ lắm.

Ông Phạm Xuân Sánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết thêm: Trong quá trình điều hòa giáo viên ở các trường thì UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn cho các trường  và rà soát lại đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện để có sự bố trí lại hợp lý các bộ môn để đáp ứng yêu cầu việc dạy học các bộ môn trên địa bàn toàn huyện.

Giáo dục là ngành luôn luôn có sự cải cách, đổi mới với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nếu bản thân việc bố trí các giáo viên giảng dạy còn nhiều bất cập, lúng túng như hiện nay thì nên chăng, sự cải cách cần thực hiện ngay từ những thiếu sót còn tồn tại này trước.

(Phương Thảo –Trường Ca)