Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mô hình trường học mới: Phản ứng trái chiều

20:28, 10/09/2017

Một vấn đề nóng về giáo dục trong dịp đầu năm học mới này tại Nghệ An, một bộ phận phụ huynh Trường THCS Hưng Dũng, thành phố Vinh làm đơn kiến nghị dừng học chương trình Mô hình trường học mới (VNEN). Vì sao một phương pháp dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 lại nhận được những phản ứng trái chiều như vậy? 

Đến với Trường tiểu học thị trấn Đô Lương - trường học thực hiện mô hình VNEN, học sinh không ngồi thành nhóm thường xuyên mà chỉ thực hiện khi bài học yêu cầu. Bên cạnh đó, cứ 2 dãy bàn học lại có một lối đi để giáo viên có thể dễ dàng giám sát từng học sinh khi học nhóm.

Chia sẻ của cô giáo Hà thị Nga - Chủ nhiệm lớp 4H, Trường tiểu học Thị trấn Đô Lương: “Do lượng kiến thức của lớp 4 có nhiều cái mới đối với các em học sinh cần sự hỗ trợ từ giáo viên, do vậy chúng tôi đã linh hoạt kết hợp triển khai hình thức học nhóm của Mô hình trường học VNEN với mô hình truyền thống, qua mỗi tiết học chốt lại kiến thức cần khắc sâu.”

Sự linh hoạt trong cách triển khai mô hình trường học mới là cách dung hòa thực tế.
Sự linh hoạt trong cách triển khai mô hình trường học mới đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và sự yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy học của ngành.

Sáng tạo trong giảng dạy đồng thời khắc phục những hạn chế, hay nói cách khác là không sao chép mô hình dạy học nước ngoài một cách máy móc - là cách ngôi trường có chất lượng tốt nhất bậc Tiểu học của huyện Đô Lương này thực hiện. Chính việc phát huy được những ưu việt của mô hình, nên không chỉ hơn 70 trường Tiểu học triển khai dự án VNEN trước đó, mà thời điểm này có đến gần 85% trường Tiểu học trong tỉnh vận dụng mô hình hoặc một trong các thành tố của mô hình VNEN.

Quan điểm của Tiến sỹ Chu Thị Hà Thanh – Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh về đổi mới phương pháp dạy học: “Sách giáo khoa cơ bản được biên soạn cấu trúc lại theo hướng đổi mới phương pháp dạy học. Tôi thấy cấu trúc tiết học hợp lý, chia 3 hoạt động cơ bản: lý thuyết – thực hành và ứng dụng. Nếu dạy học theo đúng ý đồ, tinh thần của sách giáo khoa là lấy người học làm trung tâm.”

Tuy nhiên khác với bậc Tiểu học, mô hình trường học VNEN khi triển khai ở bậc THCS trong tỉnh đã gặp không ít khó khăn, trong đó một bộ phận giáo viên, học sinh và phụ huynh không đồng tình với phương pháp này. 

Cụ thể tại Trường Lê Thị Bạch Cát - Trường THCS duy nhất của Thị xã Cửa Lò dạy chương trình trường học mới. Vì quy mô nhỏ chỉ với 2 lớp nên nhà trường có điều kiện đầu tư thiết bị dạy học và nhất là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, qua 1 năm thực hiện đã nảy sinh không ít bất cập .

Chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hằng - Tổ trưởng Tổ Khoa học – Xã hội, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, Thị xã Cửa Lò: “Mô hình này học sinh phải tự tiếp cận kiến thức, trong khí đó cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, sĩ số mỗi lớp học quá đông dẫn đến việc giáo viên không thể đánh giá đầy đủ từng em học sinh.”

Khó khăn về cơ sở vật chất, sĩ số, không chỉ đối với trường Lê Thị Bạch Cát mà hầu hết các trường THCS triển khai mô hình dạy học theo VNEN đều gặp phải. Trong đó bất cập nhất là về nội dung. Ở bậc THCS, kiến thức nhiều và sâu hơn trong khi học sinh phải tự học, thảo luận để rút ra bài học. Thêm nữa, mỗi học kỳ chỉ có 2 con điểm  - quá ít để đánh giá học lực của các em trong khi chương trình hiện hành mỗi học sinh có đến 9 con điểm. Tâm lý hầu hết của phụ huynh và học sinh đều mong muốn đậu vào các trường chuyên, trường điểm THPT, vì vậy việc lo lắng và không đồng tình với VNEN là tất yếu.

a
Việc triển khai Mô hình trường học VNEN tại Trường THCS Lê Thị Bạch Cát vấp phải sự không đồng thuận từ chính học sinh, phụ huynh và tâm lý e ngại của chính giáo viên trong trường.

Chia sẻ của em Nguyễn Thị Hải Yến – học sinh lớp 7a, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, Thị xã Cửa Lò: “Cháu không thích học theo mô hình mới này vì việc học nhóm khá ồn, trang thiết bị không đủ để chúng cháu thực hành.”

Lý do nhà trường không triển khai Mô hình Trường học mới VNEN theo chia sẻ của cô giáo Phan Thị Hải Yến - Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Thị Bạch Cát, Thị xã Cửa Lò: “Đầu năm học 2017 – 2018, nhà trường đã phố biến về mô hình trường học mới cho phụ huynh học sinh nhưng không nhận được sự đồng tình. Do vậy, Ban giám hiệu đã họp và đi đến thông nhất không triển khai mô hình trường học mới VNEN.”  

Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình trường học VNEN gặp khó khăn bởi ngay từ đầu ở một số trường, cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh không đồng thuận. Điều này đúng với trường hợp của Trường THCS Hưng Dũng, thành phố Vinh. Khi 3 năm thực hiện theo VNEN, cả nhà trường và phụ huynh đều kêu khó và phản đối. Và một khi cái mới, dù tốt hay không nếu không được đón nhận một cách tích cực, cầu thị, ngay từ đầu đã mặc định môt tâm lý “bài xích” thì quá trình triển khai và kết quả cũng khó khả thi. 

Tiến sỹ Chu thị Hà Thanh - Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh cho rằng: “Việc thiếu đồng bộ trong đổi mới là nguyên nhân chính dẫn đến “trường học mới” vấp phải phản đối ở THCS. Trong đó tâm lý của giáo viên và phụ huynh học sinh e ngại việc thi cử ứng thí nên lo ngại việc đổi mới phương pháp dạy học là yếu tố quyết định việc thay đổi mô hình dạy và học.”

Tổ chức học theo kiểu mới khi chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện; khi cách thi cử vẫn không đổi mới, vẫn là nền giáo dục ứng thí đang khiến dư luận hoài nghi, lo lắng. Sự việc xảy ra với mô hình trường học mới ở bậc THCS rất có thể sẽ lặp lại với những đổi mới tiếp theo của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Thu Hiền – Cảnh Hồng