Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thanh Chương: Hiệu quả bước đầu của đề án bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên Tiểu học

11:37, 13/09/2017

Năm 2016, huyện Thanh Chương đã ban hành đề án về bố trí, sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Trong năm đầu tiên thực hiện đề án, huyện đã chọn đối tượng là giáo viên cấp tiểu học và bước đầu nhận được sự đồng thuận trong giáo viên và cộng đồng xã hội.

Là huyện có diện tích lớn, địa hình phức tạp, dân cư bố trí không đều, hiện toàn huyện Thanh Chương có 41 trường Mầm non, 42 trường Tiểu học và 39 trường THCS với tổng số 2.529 giáo viên. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ đối với giáo viên, từ năm 2008 UBND huyện Thanh Chương đã ban hành Quy chế số 805, 2203 (sửa đổi, bổ sung) và mới nhất là đề án số 1719 ngày 12/8/2016 với mục tiêu là bố trí, sắp xếp lại toàn bộ đội ngũ giáo viên của các cấp học trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp, giáo viên các bộ môn chính/lớp của cấp THCS đồng đều giữa các vùng, ổn định nơi công tác cho giáo viên; cố gắng tối đa để bố trí gần nơi cư trú, tránh biến động, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là công tác tư tưởng để mỗi giáo viên ý thức được trách nhiệm của mình cùng với ngành giải quyết bằng được việc thực hiện bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên một lần, tạo tâm lý ổn định, yên tâm công tác trong đội ngũ. UBND huyện Thanh Chương cũng đã thành lập hội đồng xét duyêt và đề ra lộ trình thực hiện theo nguyên tắc mỗi năm sắp xếp lại cho một cấp học.

Trường Tiểu học xã Thanh Xuân nơi thường xuyên có nhiều giáo viên thực hiện “ nghĩa vụ” công tác.
Trường Tiểu học xã Thanh Xuân nơi thường xuyên có nhiều giáo viên thực hiện “nghĩa vụ” công tác.

Ngay từ bước triển khai đầu tiên, đề án đã được các nhà trường và giáo viên đồng tỉnh ủng hộ. Theo chia sẻ của cô giáo Trịnh Thị Lê được điều chuyển công tác tại Trường Tiểu học xã Thanh Xuân cách nhà 20 km: “Tôi được tăng cường đến xã Thanh Xuân đã hơn 5 năm. Trong Quyết định không ghi thời hạn giảng dạy nên bản thân chưa biết lúc nào mới được chuyển về. Nay nhờ Chủ trương mới của UBND tỉnh tôi đã được chuyển về Trường Tiểu học Ngọc Sơn từ đầu năm học mới”.

Trăn trở với hoàn cảnh của đội ngũ giáo viên trong việc thuyên chuyển công tác, thầy Nguyễn Đình Hoành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Xuân thể hiện sự đồng tình cao với đề án: “Trường chúng tôi nằm ở vùng sâu vùng xa. Cả trường có 27 giáo viên thì hơn 50% là giáo viên nghĩa vụ tăng cường. Chế độ thu hút khi có, khi không nên tư tưởng giáo viên thường là không ổn định. Với đề án mới giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.”

a
Đề án mới tạo tâm lý ổn định của giáo viên trong việc luân chuyển công tác.

Thực hiện đề án, UBND huyện Thanh Chương đã ra quyết định luân chuyển 172 giáo viên Tiểu học ngay trước thềm năm học mới 2017 - 2018. Trong đó 89 giáo viên được điều hòa giữa các trường trong từng cụm nhỏ và 73 giáo viên luân chuyển từ các cụm, vùng khác nhau, đảm bảo không còn giáo viên nào phải đi từ nhà tới trường quá 12 km.

Theo ông Đặng Văn Hóa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Chương: “Khó khăn rõ nhất trong thực hiện là sự phân bố nhân lực không đều. Giáo viên chủ yếu sinh sống ở các vùng trung tâm là các cụm Đại Đồng và Xuân Lâm còn 8 cụm khác trường nhiều nhưng giáo viên lại ít nên để điều hòa được đúng như đề án nêu cũng không phải dễ dàng. Nhưng với quyết tâm cao, ngành đã tham mưu và thực hiện tốt, Bởi đây là niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền, của ngành, đòi hỏi của thực tiễn trong nhiều năm qua. Sau cấp Tiểu học, năm học tới chúng tôi sẽ thực hiện tiếp với đối tượng cấp THCS.”

Trần Đình Hà - Đài TTTH Thanh Chương