Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nâng cao ý thức bảo vệ rừng ngập mặn

10:28, 11/11/2015

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Nghệ An đang tích cực triển khai các biện pháp giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Một trong những mô hình tích cực giảm thiểu các thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra là trồng rừng ngập mặn ven biển. Để tiếp tục duy trì tính hiệu quả bền vững của mô hình này, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư vùng dự án thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng rừng ngập mặn để bảo vệ rừng.

Rừng ngập mặn Hưng Hòa
Rừng ngập mặn Hưng Hòa

Đã gần trọn cuộc đời gắn bó với sông nước ở ven đê biển An Hòa, Ông Nguyễn Hoa Phượng  đã chứng kiến những cơn dận giữ của thiên nhiên. Trước đây, mỗi khi có gió bão cấp 8, cấp 9, gia đình ông cùng những hộ sinh sống ở ven đê đã phải di dời đi nơi khác để tránh bão. Thế nhưng từ ngày rừng ngập mặn phát triển, mọi việc đã thay đổi. Ông Phượng nói: Khi bão về, rộng sông chừng nào thì giao động sóng càng lớn, khi rừng phát triển,hạn chế được sóng đánh, nó sẽ ít thiệt hại hơn, con tôm con cá cũng có môi trường tự nhiên để ẩn nấp…

Trước đây, rừng ngập mặn ở An Hòa bị chính người dân địa phương tàn phá để làm hồ nuôi tôm, nhưng rồi khi rừng mất, các hồ tôm cũng thất bát theo. Không những thế, mất rừng, vùng cửa biển của của xã có chỗ bị bào mòn sâu đến hơn chục mét. Thế nhưng, đến nay, khi rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển, nó đã giữ lại phù sa, trở thành những bãi bồi rất màu mỡ. Rừng ngập mặn địa bàn ven biển xã An Hòa đã trở thành ngôi nhà của hàng chục đàn cò, dấu hiệu của việc phục hồi môi trường sinh thái, kết quả của việc trồng rừng ngập mặn, bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình - Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Sự hồi sinh những cánh rừng ngập mặn ở Nghệ An là kết quả đáng mừng sau những nỗ lực đáng ghi nhận của dự án “trồng rừng ngập mặn – giảm thiểu rủi ro, thảm họa”. Với tổng diện tích trên 700 ha rừng ngập mặn được trồng tại 27 xã của 9 huyện; hàng nghìn người được hưởng lợi, ổn định được nơi ở và ổn định sản xuất - nhất là những người dân sống trong đê. Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết: Từ những hiệu quả mà rừng ngập mặn mang lại, chúng tôi đang đề xuất phương án để tiếp tục trồng mới thêm diện tích ở những vùng xung yếu.

Rừng ngập mặn phát triển, cuộc sống người dân ven biển đang dần ổn định. Tuy nhiên, là quốc gia đứng thứ 5 về khả năng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cuộc sống của hàng chục triệu dân, trong đó có những người dân ven biển tỉnh Nghệ An đang bị đe dọa, đặc biệt là những người dân nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất vì điều kiện sinh kế của họ gần như phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy, các ban ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng rừng ngập mặn, từ đó tham gia bảo vệ rừng; góp sức tạo nên “Bức tường xanh” vững chãi, bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống người dân trước những tác động tiêu cực của thiên tai.

(Lê Hằng)