Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bản "hồi cư" xâm canh kéo dài: Do thiếu đất sản xuất?

15:11, 06/06/2016

10 năm nay, trên diện tích rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đứng chân trên địa bàn xã Nậm Giải huyện Quế Phong, thường xuyên diễn ra tình trạng xâm canh, xâm cư của các hộ đồng bào người Mông ở 2 bản Mường Lống và Huồi Xai, xã Tri Lễ. Thực tế khá nổi cộm này đã xảy ra từ nhiều năm qua. Thậm chí, là câu chuyện đã quá cũ. Nhưng điều không cũ là cho đến bây giờ, vẫn chưa có hướng tháo gỡ tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào người Mông sau khi hồi cư từ Lào trở về.

Từ địa phận thị tứ Châu Thôn đi vào bản Mường Lống, xã Tri Lễ huyện Quế Phong chỉ có 20km đường rừng, thế nhưng, phải mất chừng ba tiếng đồng hồ leo dốc bằng những chú “ngựa sắt", chúng tôi mới đặt chân vào đến bản. Các anh trong tổ công tác của Đồn BP 519 nói vui: Hôm nay, trời nắng ráo các anh các chị vào thế này là còn nhanh, còn khỏe, chứ khi trời mưa, chúng tôi toàn cuốc bộ 6, 7 tiếng đồng hồ mới vào được bản.

Đường lên bản Mường Lống
Đường lên bản Mường Lống

Năm 2005, phía nước bạn Lào trao trả cho Việt Nam 113 hộ đồng bào người Mông di cư trái pháp luật. Trong đó, riêng tại bản Mường Lống có 22 hộ với khoảng 150 nhân khẩu. Bản nghèo có 105 hộ, hơn 702 khẩu nhưng tỷ lệ hộ đói nghèo đã chiếm tới 103 hộ. Cả bản khai hoang được 9,24ha ruộng nước, chỉ có 64 hộ có ruộng, số còn lại không có đất sản xuất nên cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

9,24ha ruộng nước không đủ chia cho 105 hộ gia đình trong bản
9,24ha ruộng nước không đủ chia cho 105 hộ gia đình trong bản

Điều đáng nói, trong số các hộ không có đất sản xuất thì hầu hết là các hộ di cư từ Lào về, do trước khi đi, bà con đã bán đất, bán ruộng, nên bây giờ trở về trắng tay. Để kiếm kế sinh nhai, các hộ này đã đi xâm canh xâm cư trái phép sang đất của xã Nậm Giải, đốt rừng phát rẫy trồng trọt, chăn nuôi đã 10 năm trở lại nay.

Một góc bản nghèo Mường Lống
Một góc bản nghèo Mường Lống

Xồng Nhìa Tu là một trong những hộ người Mông di cư trái phép đã trở về Việt Nam từ năm 2009 ở Mường Lống. Trưởng bản Và Bá Mài vừa kể vừa dẫn chúng tôi đến thăm nhà của Xồng Nhìa Tu ở sát trên đỉnh núi, nơi cao nhất của bản. Nói là nhà, nhưng thực chất chỉ là một túp lều tranh dột nát. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, không có cả giường để nằm. Vậy nhưng, đây chính là nơi tá túc của 18 con người, gồm 2 vợ chồng Nhìa Tu và 16 đứa con. Không ruộng vườn, nương rẫy, Nhìa Tu đã cùng vợ con sang phá rừng xâm canh bên đất Nậm Giải suốt 8 năm nay. Dù vậy, đến giờ cuộc sống gia đình Nhìa Tu vẫn không cải thiện được là bao.

Túp lều rách nát- nơi trú ngụ của 18 nhân khẩu trong gia đình Xồng Nhìa Tu
Túp lều rách nát - nơi trú ngụ của 18 nhân khẩu trong gia đình Xồng Nhìa Tu

Chứng kiến mâm cơm của cả nhà Nhìa Tu trước khi lên rẫy, chúng tôi không khỏi xót xa. Ngoài rổ cơm thì trong mâm chỉ có thêm bát canh đậu luộc, một bát nước lạnh pha với muối. Bữa ăn đơn sơ đạm bạc không đủ chất dinh dưỡng cho những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn này...

Bữa ăn đạm bạc trước lúc lên rẫy của gia đình Nhìa Tu
Bữa ăn đạm bạc trước lúc lên rẫy của gia đình Nhìa Tu
...bát canh đậu luộc với chút nước lạnh pha muối..
...bát canh đậu luộc với chút nước lạnh pha muối..

Xồng Nhìa Tu tâm sự, giờ đây gia đình ông chỉ có một mong muốn làm sao được chia ruộng nước để không phải đi xâm canh xâm cư, vi phạm pháp luật...

Xồng Nhìa Tu chẻ củi chuẩn bị cho bữa cơm chiều
Xồng Nhìa Tu chẻ củi chuẩn bị cho bữa cơm chiều

Còn gia đình Và Lỳ Pó, nghe lời rủ rê của kẻ xấu cũng đã sang Lào từ năm 2002, đến năm 2009 thì cả gia đình được trao trả về Việt Nam. Và Lỳ Pó có 5 đứa con thì 1 đứa bị bệnh tật, đầu óc không được như người bình thường. Cuộc sống gia đình vì thế đã cơ cực lại càng cơ cực hơn.

Cả gia đình 7 miệng ăn nhưng không có ruộng đất sản xuất
Cả gia đình Và Lỳ Pó có 7 miệng ăn nhưng không lại có ruộng đất sản xuất

Thấy dân bản Huồi Xai, Mường Lống sang Nậm Giải đốt rừng làm rẫy, Lỳ Pó cũng đi theo. Đã 3,4 năm nay gia đình Pó sang phá rừng xâm canh trên đất Nậm Giải để trồng lúa rãy, nuôi bò, thế nhưng cái đói cái nghèo vẫn mãi đeo bám.

Và Lỳ Pó trong căn bếp dột nát
Và Lỳ Pó trong căn bếp dột nát

Lỳ Pó cho biết, vì quãng đường quá xa, đường đi lại quá khó khăn nên lương thực làm ra cũng không thu hoạch đưa về nhà được. Biết làm thế là vi phạm pháp luật, nhưng vì ở Mường Lống không có ruộng, nên gia đình ông vẫn tiếp tục sang đó sản xuất.

Vợ con Và Lỳ Pó trên đường đi sang Nậm Giải canh tác
Vợ con Và Lỳ Pó trên đường đi sang Nậm Giải canh tác

Khi mới được Lào trao trả, gia đình ông Lỳ Pó được Nhà nước hỗ trợ 1 khẩu 15kg gạo mỗi năm trong 3 tháng liên tục, hỗ trợ tấm phi-b-ro để lợp nhà... Ngoài ra, ông cũng như các hộ nghèo khác, hàng năm, đều được hỗ trợ giống, phân bón để sản xuất. Thế nhưng, một nghịch lý đó là có giống, có phân bón... nhưng nhiều hộ không có ruộng để sản xuất...

Và đó cũng chính là lý do dẫn đến tình trạng xâm canh xâm cư kéo dài ở địa bàn xã Nậm Giải của 33 hộ dân thuộc 2 bản Huồi Xai và Mường Lống xã Tri Lễ nhiều năm nay.

(Hiến Chương)

Kỳ 2: Rừng đặc dụng bị xâm hại: Trách nhiệm thuộc về ai?