Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thay đổi tư duy sản xuất từ dồn điền đổi thửa

16:00, 28/06/2016

Với mục tiêu khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, công tác dồn điền đổi thửa đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm tại các địa phương. Trên thực tế, hiệu quả kinh tế từ sản xuất sau dồn điền đổi thửa đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của nông dân. Bước đột phá tại huyện Nghi Lộc.

Từ sức bật trong các trang trại....

Nghi Lâm là xã đi đầu trong huyện Nghi Lộc về thực hiện công tác dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy Nghệ An. Sau hơn hai năm chuyển đổi, ruộng đồng Nghi Lâm hôm nay đã có nhiều đổi thay về diện mạo cũng như về chiều sâu.

Điển hình trong phong trào này là xóm 3 và xóm 5 của xã. Trước đây, vùng đất có tên Đồng Lầy xóm 5 và cánh đồng Dé xóm 3 rộng 13ha bị bỏ hoang từ nhiều năm. Người dân bỏ hoang bởi lẽ: nơi đây đất cát bạc màu, ruộng đồng lại manh mún, thiếu nước sản xuất. Nhưng nay, cảnh hoang phế đó đã được đổi thay bằng những gia trại chăn nuôi kết hợp trồng cỏ, trồng ngô và cây ăn quả. Những ruộng ngô sai bắp, những ruộng cỏ tốt tươi phục vụ chăn nuôi được bọc vây quanh những trang trại.

Trang trai gần 1000 gốc chanh của anh Trần Đình _Tuấn - Xóm 1A xã Nghi Kiều (1)
Trang trai gần 1000 gốc chanh của anh Trần Đình Tuấn - Xóm 1A - xã Nghi Kiều

Nổi bật trong đó là gia trại của ông Chu Văn Hồng. Trên diện tích 12 sào đất là một vườn cam xanh mướt mắt. Ở đây, 600 gốc cam xen vào đó là những hàng cỏ voi, cỏ sữa, ngô, khoai lang và rau các loại. Ông Hồng cho biết: Sau dồn điền đổi thửa, gia đình được xã tạo điều kiện cho nhận đất. Đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Đến nay đã cho hiệu quả".

Xã Nghi Kiều là địa phương có ưu thế phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung từ nhiều năm nay.

Trang trai nuôi lợn nái siêu nạc của anh Cao Văn_ Hoàng -xóm 1 xã Nghi Văn mỗi năm thu lãi 2,1 tỷ _đồng
Trang trai nuôi lợn nái siêu nạc của anh Cao Văn Hoàng - xóm 1 - xã Nghi Văn mỗi năm thu lãi 2,1 tỷ đồng

Tuy nhiên, sức bật sau dồn điền đổi thửa đã khiến mảnh đất màu mỡ nơi đây ngày càng khởi sắc, đến cuối năm 2015, xã Nghi Kiều hoàn thành công tác này. Sau chuyển đổi, số thửa đã giảm từ 4 đến 5 thửa xuống bình quân 1,8 thửa/hộ. Đặc biệt, xã đã thực hiện chủ trương chuyển những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành những trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Nhờ đó, đến nay xã đã có 17 trang trại tập trung có quy mô vừa và lớn. Với những vùng đất trũng, canh tác lúa kém hiệu quả được thực hiện chuyển đổi sang kinh tế trang trại tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hồ Văn Ninh - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: Để thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng giải quyết tốt 2 khâu là: xây dựng phương án thực hiện khoa học và thực sự phát huy được dân chủ tạo thống nhất cao trong thực hiện…

... Đến sự chuyển biến về nhận thức

Bước vào thực hiện Chỉ thị 08 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Nghi Lộc gặp nhiều khó khăn. Đó là thiếu kinh phí thực hiện trong việc đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận... Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là tìm “chìa khóa” để “mở cánh cửa” về tư duy, nhận thức của người dân. 

Xác định rõ điều này, Ban thường vụ Huyện ủy Nghi Lộc đã ban hành Nghị quyết 09/NQ/HU về tiếp tục vận động nông dân "dồn điền đổi thửa" để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Cả hệ thống chính trị ở Nghi Lộc cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân thực hiện chủ trương lớn quan trọng này. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở đã có sự chỉ đạo, quản lý điều hành sát sao, khoa học, công tâm. Đặc biệt, áp dụng Quy chế dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đóng góp ý kiến. UBND huyện cũng đã hỗ trợ gần 16 ngàn tấn xi măng làm giao thông nông thôn gắn với dồn điền đổi thửa. Riêng 2 năm 2014 và 2015, huyện hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho các xã đăng ký hoàn thành.

Qua dồn điền, nông dân trong huyện đã hiến gần 317ha đất nông nghiệp, đất thổ cư để mở rộng các tuyến đường nội đồng. Sau gần 4 năm tích cực thực hiện nghị quyết công tác chuyển đổi ruộng đất cơ bản hoàn thành, đến nay các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã tiến hành giao đất cho người dân. Diện tích đất sản xuất được gom về một mối, tạo điều kiện cho người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Anh Võ Văn Sơn - Chuyên viên phòng tài nguyên môi trường huyện Nghi Lộc cho biết: “Cái được lớn nhất của chủ trương dồn điền đổi thửa là hình thành tư duy sản xuất mới cho bà con. Thông qua thực hiện nhiệm vụ này, ở Nghi Lộc đã phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong việc đề ra phương án sát với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó cho thấy sự đồng thuận cao của nhân dân có ý nghĩa quyết định...”.

(Hồng Vinh)