Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Triệu phú vịt trời vùng bán sơn địa

16:24, 19/06/2016

Xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) là xã vùng bán sơn địa, sản xuất nông nghiệp gặp rất  nhiều khó  khăn. Để vươn lên thoát nghèo, anh Nguyễn Kế Sỹ đã tập trung vốn xây dựng mô hình nuôi và thuần hóa vịt trời thành công trên 2 ngàn con, cho thu lãi gần 120 triệu đồng mỗi năm.

Vào cuối năm 2013, Nghi Kiều triển khai thực hiện Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy về việc dồn điền đổi thửa, gia đình anh Sỹ được địa phương giao 4000m2 đất bãi đồi ven đập Bàu Dưng  tại xóm 3.

Đây thuộc vùng đất cao cưỡng, khô cằn nên anh Sỹ trăn trở làm thế nào để phát huy hiệu quả. Cơ duyên đến với anh khi xem chương trình "sinh ra từ làng" giới thiệu về mô hình nuôi vịt trời hoang dã tại tỉnh Bắc Giang.

Nhận thấy giống vịt trời dễ nuôi, giá trị kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện hiện tại của gia đình, anh quyết định ra Bắc Giang tìm hiểu và mua 250 con vịt giống, với giá 50.000 đồng/con về nuôi.

Anh Sỹ chăm sóc đàn vịt con 20 ngày tuổi
Anh Sỹ chăm sóc đàn vịt con 20 ngày tuổi

Sau gần 1 tháng nuôi nhốt, anh quyết định thả vịt ra môi trường tự nhiên, mặc dù đã nghiên cứu kỹ và được người bán giống hướng dẫn cho cách nuôi, nhưng anh vẫn không khỏi lo lắng, anh sợ đàn vịt sẽ bay mất, cả ngày hôm ấy anh cứ nhìn trân trân vào cái chuồng nhỏ không biết vịt có quay lại hay không. Thế rồi, anh vô cùng sung sướng khi buổi chiều hôm đó đàn vịt đã quay lại, vậy là bước đầu anh đã nuôi và thuần hóa được đàn vịt trời. Sau hơn 6 tháng chăm sóc đúng quy trình, những cặp vịt bố mẹ đã đẻ lứa trứng đầu tiên. Số trứng thu được anh giữ lại toàn bộ để ấp, tiếp tục nhân giống.

Anh Sỹ cho biết, giống vịt trời này rất dễ nuôi, bởi có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, ăn ít, thức ăn chủ yếu lại là ngô, bèo tây, rau và các loại phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp nên chi phí không tốn kém, có giá trị kinh tế cao. Thịt vịt cũng thơm ngon hơn nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, giá bán cao hơn so với các giống vịt khác. Trung bình mỗi năm, một con vịt mái có thể đẻ khoảng 170 - 180 trứng, giá trứng giao động từ 5 ngàn đồng trở lên - tùy loại.  

Gia đình anh Sỹ tận dụng Đập bàu Dưng để l_àm chỗ bơi lội cho đàn vịt
Anh Sỹ tận dụng đập Bàu Dưng để cho đàn vịt trời bơi lội

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng vịt, anh Sỹ đã áp dụng quy trình nuôi vịt sạch và cách nuôi bán hoang dã. Về thức ăn cho vịt, khi vịt mới nở đến lúc 3 tuần tuổi, phải cho ăn cám với đầy đủ dinh dưỡng. Khi vịt từ 3 tuần tuổi đến lúc xuất chuồng, thức ăn của vịt hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên như lúa, ngô, rau...

Bên cạnh đó, vịt phải được chăn nuôi gần như hoàn toàn trong môi trường nước hồ tự nhiên với chuồng trại được xây dựng đảm bảo kỹ thuật. Thời gian trung bình từ khi vịt nở đến lúc vịt xuất chuồng bán thương phẩm khoảng hơn 4 tháng, giá bình quân 1 con vịt thương phẩm hơn 1 kg trên thị trường hiện là 150 nghìn đồng/con, chi phí thức ăn cho vịt từ lúc nuôi đến lúc bán khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng. Như vậy, mỗi con vịt thương phẩm gia đình anh lãi 80 nghìn đồng. Cộng với mỗi tháng gia đình anh xuất bán 500 con vịt giống, với giá từ 20 đến 50 nghìn đồng/con. Hiện nay, tổng đàn vịt của anh Sỹ có khoảng trên 2 ngàn  con bao gồm cả vịt giống, vịt thịt và vịt con. Sau một năm chăn nuôi, trừ chi phí công chăm sóc, thức ăn chăn nuôi, gia đình anh còn thu lãi xấp xỉ 120 triệu đồng. 

Tận dụng bèo tây làm thức ăn cho vịt
Tận dụng bèo tây làm thức ăn cho vịt

Anh Sỹ chia sẻ: Trước khi chăn nuôi vịt trời, tôi đã  trồng ớt cay nhưng không tìm được đầu ra nên thua lỗ. Từ khi đưa giống vịt trời về nuôi tại gia đình, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, thu nhập từ mô hình nuôi vịt trời ổn định. Vui hơn nữa là tôi đã nhân giống cho 4 hộ gia đình trong xóm, với  mức vừa bán vừa hỗ trợ là 20 ngàn đồng/con.

Nghi Kiều là xã miền núi, đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do vậy, nhận thấy mô hình nuôi vịt trời của anh Nguyễn Kế  Sỹ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền cho các hộ dân tận dụng diện tích ao hồ trên địa bàn để nuôi vịt trời. Đây được xem là hướng phát triển mới cho người dân vùng bán sơn địa này. Ông Hồ Văn Ninh – Phó chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: Anh Nguyễn Kế Sỹ là một hộ dân đi đầu thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Anh đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi vịt trời. Đây là mô hình đầu tiên trong xã. Mô hình này đã mang lại kinh tế cao không chỉ cho gia đình anh mà còn mở ra hướng chăn nuôi mới cho  rất nhiều gia đình khác. Chính quyền địa phương, khuyến khích bà con, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

Lứa vịt chuẩn bị được xuất bán
Lứa vịt chuẩn bị được xuất bán có trọng lượng từ 1-1,3kg/con

Hiện tại, vịt thương phẩm của gia đình anh Sỹ mới chỉ đủ cung cấp trên địa bàn xã và một số vùng lân cận. Thời gian tới, anh tiếp tục nhân giống vịt trời và đầu tư mở rộng trang trại để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài huyện, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Anh còn có dự định sẽ đầu tư hệ thống máy ấp trứng tự động để cung cấp cấp số lượng con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân khác có nhu cầu chăn nuôi vịt trời trong và ngoài tỉnh.

Thành công bước đầu từ trang trại nuôi vịt trời của anh Nguyễn Kế Sỹ sẽ là hướng đi mới để bà con nghèo tại địa phương tận dụng những thế mạnh, tiềm năng vốn có của mình học hỏi làm giàu. 

(Thu Hiền - Ngọc Mai)