Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Vườn chè thắm tình quân - dân

10:52, 14/06/2016

Bằng tinh thần trách nhiệm của mình, những cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm - BĐBP Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới giúp bà con vùng tái định cư phát triển kinh tế, từ đó, góp phần giúp cho cuộc sống của bà con dân bản dần đổi thay, tạo nên sức mạnh đoàn kết, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trên tuyến biên cương của Tổ quốc.

Cùng với nhiều bà con vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ, năm 2008, gia đình ông Lương Văn Phượng, dân tộc Thái đã về sinh sống ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Trước đây, chỉ quen với phương thức đốt nương làm rẫy, gia đình ông chưa bao giờ biết trồng lúa, trồng chè. Được Đồn BP Ngọc Lâm chọn để xây dựng mô hình kinh tế điểm, với 1ha đất đồi, ông Phượng đã đầu tư trồng chè nguyên liệu. Với sự hướng dẫn tận tình của chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm, ông đã nắm vững kỹ thuật ươm giống và trồng chè. Đến nay, vườn chè của gia đình ông đã được 4 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch mùa thứ 2.

Ngoài trồng chè, vợ chồng ông còn tận dụng đất đồi đào ao thả cá, chăn nuôi trâu bò. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông Phương đã khấm khá hẳn lên và hiện được xem là điểm sáng về phát triển kinh tế của bà con bản Muộng. Ông Phượng chia sẻ: Gia đình tôi cũng rất yên tâm để làm cây chè vì thấy phù hợp với đất đai thổ nhưỡng và khí hậu  nơi đây. Gia đình tôi học hỏi và tiếp tục phổ biến cho các hộ gia đình có đất ở cây cùng làm để có thêm thu nhập.

Vườn chè của gia đình ông Lương Văn Phượng đã cho thu hoạch mùa thứ 2
Vườn chè của gia đình ông Lương Văn Phượng đã cho thu hoạch mùa thứ 2

Cây chè được xác định là mũi kinh tế chủ lực của vùng đất Ngọc Lâm, Thanh Chương. Do đó, để nâng cao đời sống cho bà con vùng tái định cư thì chỉ có đầu tư vào trồng chè là có hiệu quả nhất. Từ định hướng ấy, cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm đã thực sự “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón, ươm chè giúp các hộ phát triển kinh tế. Toàn xã có gần 1500 hộ với 5479 khẩu, tỷ lệ hộ gia đình tham gia trồng chè đạt trên 70%. Diện tích trồng chè của xã tăng dần theo hàng năm, đến nay Ngọc Lâm đã có hơn 200ha trồng chè.

“Bà con chưa quen với phương thức chồng chè này, nhưng qua quá trình phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn đã phối hợp rất nhịp nhàng vận động nhân dân tham gia trồng chè đạt tỉ lệ khá cao”. Ông Lương Quản Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm - Thanh Chương cho biết.

CBCS ĐBP Ngọc Lâm giúp người dân TĐC chăm sóc cây chè
CBCS ĐBP Ngọc Lâm hướng dẫn người dân TĐC chăm sóc cây chè

Không chỉ hướng dân dân bản xây dựng mô hình trồng chè, cán bộ địa bàn của Đồn BP Ngọc Lâm còn giúp nhiều hộ dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả như khai hoang trồng lúa nước, đào ao thả cá, phát triển trồng rừng. Đơn cử như gia đình ông Lương Văn Thân, Lương Văn Phúc, ông Cụt Văn Hợi..., từ những hộ gia đình nghèo, đến nay sau 8 năm về định cư tại Ngọc Lâm, nhờ sự chung tay góp sức của cán bộ, chiến sỹ Đồn BP, các hộ này đã có mô hình kinh tế khá giả, cuộc sống ổn định.

Ông Lương Văn Phúc - bản Muộng cho biết đời sống nhân dân từ khi chuyển về đây đã đỡ vất vả hơn nhiều, có điện, đường, trường học, lại được bộ đội biên phòng giúp dân sản xuất nên đời sống cũng ổn định dần.

Thiếu tá Trần Văn Tùng - Đội trưởng Đội VĐQC - Đồn BP Ngọc Lâm- BĐBP Nghệ An trao đổi: Bà con lòng hồ thủy điện mới về thì cán bộ chiến sỹ đã tập trung giúp dân dựng nhà, hướng dẫn dân làm lúa nước. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chương trình trồng chè công nghiệp của huyện Thanh Chương và UBND tỉnh Nghệ An thì đồn đã tập trung hưỡng dẫn cho bà con”.

Mô hình trồng lúa nước của gia đình ông Lương Văn Phúc
Mô hình trồng lúa nước của gia đình ông Lương Văn Phúc

Để bà con nhân dân yên tâm định cư, phát triển sản xuất, biện pháp duy nhất là phải tìm hướng thoát nghèo cho họ. Phương châm “đem cần câu cá” đến cho bà con đã nhanh chóng được cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Ngọc Lâm triển khai thực hiện đạt được hiệu quả. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ đói nghèo ở xã biên giới Ngọc Lâm đã giảm đáng kể.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đánh giá: “Từ vùng đất từ Tương Dương về Thanh Chương, cơ bản các phong tục tập quán đều khác, do vậy, để làm quen với phong tục tập quán ở quê mới là điều cần thiết. CBCS Đồn biên phòng Ngọc Lâm đã cùng với chính quyền địa phương các cấp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho bà con yên tâm sản xuất nơi ở mới.

Từ kết quả ban đầu, đến nay, nhiều hộ dân ở vùng tái định cư Thanh Chương đã mạnh dạn phát triển nhiều mô hình sản xuất mới, hàng trăm ha chè đã được ươm trồng trên những vùng đất hoang hóa, công tác bảo vệ rừng gắn liền với sinh kế của người dân đã được chú trọng triển khai. Sự phối hợp tích cực giữa chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng, đặc biệt là những cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bà con dân bản nâng cao đời sống.

(Hiến Chương)