Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quản lý và vận hành các nhà máy thủy điện: Những vấn đề đặt ra

09:23, 25/07/2016

Theo nguyên tắc, các nhà máy thủy điện, nói chính xác là các hồ chứa thủy điện bên cạnh việc tích nước, sản xuất kinh doanh điện thì còn có nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du vào mùa mưa và điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn, chống hạn vào mùa khô. Thực tế là vậy, nhưng quá trình quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, mà rõ nhất là việc điều tiết nước trong mùa khô và vận hành xả lũ trong mùa mưa.

Những trạm bơm dã chiến mọc lên ngày một nhiều... là giải pháp thường xuyên được thực hiện của các địa phương hạ du như: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc để cứu lúa cũng như cây trồng các loại mỗi khi vào mùa nắng nóng. Tuy nhiên, nguồn nước sông tại đây cũng chỉ có thể bơm vào một số giờ trong ngày do nước mặn xâm nhập..

Tại thượng lưu Bara Nam Đàn vào thời điểm đầu tháng 7/2016, mực nước ở đây bình quân chỉ đạt 0,5m so với thiết kế 1,15m. Nguyên nhân do trời ít mưa, việc tích nước phục vụ hàng loạt nhà máy thủy điện đầu nguồn góp phần gây nên tình trạng này.

Anh Nguyễn Văn Khánh- Trưởng ca vận hành Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ nói: Giai đoạn này, theo quy trình của liên hồ, lưu lượng xả qua tổ máy đổ về hạ du là 50m3/s.

Thuỷ điện Bản Vẽ xả lũ ở 2 cống
Thuỷ điện Bản Vẽ xả lũ ở 2 cống

Hơn 100 ngàn ha diện tích cây lương thực của Nghệ An những năm gần đây đang phải đối mặt gay gắt với hạn hán do biến đổi khí hậu. Cộng thêm tác động từ hệ thống thủy điện vốn thiếu sự phối hợp quản lý để cân bằng giữa kinh doanh và an sinh xã hội nên lại càng khó khăn. Mùa hạn đã vậy, vào mùa mưa lũ, công tác phối hợp quản lý, vận hành xả lũ giữa nhà máy và chính quyền địa phương lại càng vênh nhau. Đơn cử, tại dòng Nậm Mộ, đoạn đi qua xã Tà Cạ của huyện Kỳ Sơn, hiện có đến 3 nhà máy thủy điện công suất nhỏ dưới 20MW, và mỗi lần các nhà máy này mở cửa xả khi có mưa lớn đổ về đã gây không ít bức xúc trong nhân dân.

Ông Phan Sỹ Thắng - Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn bức xúc: Việc điều tiết của các nhà máy ở đây còn nhiều bất cập. Về mùa hè thì tích nước cả ngày, đêm mới xả, gây khó khăn cho việc sản xuất. Đặc biệt mùa mưa, thủy điện không có lịch trình xả mà xả bừa bãi, có những lúc làm mất và thiệt hại tài sản của nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đến 10 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động. 3 nhà nhà máy có công suất lớn là: Hủa Na 180 MW,  Khe Bố 100MW và Bản Vẽ 320 MW đã thực hiện việc điều tiết, xả lũ theo quy trình liên hồ chứa của Chính phủ và Bộ công thương ban hành. Hoạt động thủy điện, bên cạnh mục tiêu đem lại lợi nhuận còn phải đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, hoa màu cho người dân ở hạ du.

Ông Tạ Hữu Hùng - Trưởng phòng KT nhà máy thủy điện Bản Vẽ cho rằng: Các hồ chứa với nhà đã có quy chế phối hợp về các thông tin đi lại, ví dụ, hồ Bản Vẽ có kế hoạch xả phải thông báo trước cho hồ Khe Bố và Khe Bố phải có thông báo cho phía hạ du để kịp thời xả trước, giảm thiểu thiệt hại cho người dân phía hạ du.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cảnh báo: Sự điều tiết của nhà máy phải hết sức thận trọng, nếu không dự báo được, thì việc tích nước quá lớn, lượng mưa về ta xả không kịp.

Có một thực tế khá bất cập hiện nay đối với nhiều nhà máy thủy điện bậc thang có sông suất nhỏ trên dưới 20MW. Vì không có hồ chứa, lại nằm phía dưới các nhà máy thủy điện công suất lớn, nên mực nước dâng bình thường chủ yếu được ưu tiên tối đa cho việc vận hành tổ máy. Ngược lại, nếu có mưa lớn, nhà máy phía trên xả lũ, thì chính những bờ tràn của các nhà máy này góp phần tạo ra những dòng chảy mạnh gây nguy hiểm cho phía hạ du.

Anh Nguyễn Văn Đồng -  Tổ trưởng tổ vận hành Nhà máy thủy điện Nậm Nơn thừa nhận: Bất cập là ở chỗ, nhà máy phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng nước từ Bản Vẽ đổ về, nên không chủ động được nguồn nước, mà chỉ biết phối hợp với Bản Vẽ điều tiết mực nước hồ trong quá trình và xả lũ thôi.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng -  Phó GĐ Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An biết: Để đảm bão việc vận hành, tích nước cũng như xả lũ an toàn, tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ công thương và các ngành chức năng tiến hành lắp camera, giáp sát việc xả lũ tại các nhà máy thủy điện phải cụ thể, đồng thời cắm mốc ngập lũ với tần suất là bao nhiêu. Mục tiêu là đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân biết, tránh được thiệt hại do xả lũ của các hồ đập sau khi có mưa bão.

Nhiều sự cố, rủi ro xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân, mà nguyên nhân là do bất cập trong vận hành quản lý hồ chứa thủy điện. Nhiều người chưa quên được mới đây nhất, trong 2 ngày 26, 27 tháng tư và ngày 6 tháng 5 nhà máy Thủy điện Chi Khê tích nước dẫn dòng vào tổ máy phát điện để chạy thử khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng đã làm ngập một số diện tích hoa màu, cùng đường dân sinh dẫn đến 1 người bị chết đuối.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự thống nhất trong việc quản lý các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh như việc vận hành hồ chứa phải tuân thủ theo quy định, trình tự đóng mở các cửa van xả, đảm bảo không tạo ra lũ nhân tạo đột ngột, bất thường. Đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc điều tiết, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa nắng hạn.

(Nguyễn Nam - Quốc Toàn)