Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hiệu quả của giao đất, giao rừng cho người dân

08:38, 28/09/2016

Bao nhiêu năm mong đợi, năm 2013, hơn 90 hộ dân bản Can - xã Châu Bình – huyện Quỳ Châu lần đầu tiên có đất sản xuất. 30ha đất lâm nghiệp được thu hồi từ lâm trường Cô Ba để bàn giao lại cho người dân. Những vụ keo đầu tiên đã bắt đầu xanh trên đất của dân bản. Không thể kể hết niềm vui của người dân nơi đây.

[links()]

Dù qũy đất không nhiều, và vẫn còn tới 50-60 hộ của bản chưa có đất, nhưng dẫu sao quyền lợi của người dân nơi đây đã được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết. Sau khi xảy ra tranh chấp đất đai giữa người dân và lâm trường Cô Ba, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 1135ha đất lâm nghiệp của lâm trường để bàn giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất của xã Châu Bình. Dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng được làm chủ trên vùng đất của mình, giảm được việc làm thuê, làm mướn thời vụ cho lâm trường, tư tưởng, tâm lý của người dân đã ổn định.

Người dân xã Châu  Bình - huyện Quỳ Châu phát nương làm rẫy
Đồi cây đã lên xanh...

Bà Hoàng Thị Hoan – Bản Can – xã Châu Bình phấn khởi  nói: Người dân ở đây phấn khởi lắm, có đất làm ăn. Bây giờ mà được đất để làm ăn thì chắc chắn đời sống sẽ khá lên, xóa đói, giảm nghèo.

Ông Lê Văn Toan – Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết:Trước đây, xã Châu Bình chưa giao đất theo Nghị định 163, bà con nông dân không có đất sản xuất thì tình hình hết sức phức tạp, dân nghèo, việc làm không có, xảy ra những vấn đề phức tạp cho xã hội. Nhưng sau này, khi giao đất xong, đến nay cơ bản ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Bà con chăm sóc rừng với nhiều kỳ vọng...
Bà con chăm sóc rừng với nhiều kỳ vọng...

Cơn lốc đá đỏ vào những năm 1990-1996 đã càn quét xã Châu Bình. Đất bị dày xéo, người không yên, làng xã mất an ninh trật tự. Một thời gian dài đất đai hoang hóa và chủ yếu thuộc quản lý của các lâm trường. Năm 2003, thực hiện NĐ163 về giao đất giao rừng, 635 hộ của Châu Bình đã có gần 2900ha đất rừng để sản xuất.

Những đồi keo xanh tít tắp hàng trăm ha này là vụ thứ 2, thứ 3 trong chu kỳ 5 năm thu hoạch 1 lần của các hộ dân bản Độ 2, Độ 3. Với 10ha rừng đã và đang đến kỳ thu hoạch, vợ chồng chị Lô Thị Hương có thể yên tâm với cuộc sống hiện tại.

Chị Lô Thị Hương chia sẻ với PV NTV: Nhờ rừng mà gia đình hết đói nghèo.
Chị Lô Thị Hương chia sẻ với PV NTV: Nhờ rừng mà gia đình hết đói nghèo.

Chị Lô Thị Hương – Bản Độ 3 – Châu Bình chia sẻ: Gia đình em trồng keo được 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch 1 ha được 60-70 triệu. Kinh tế gia đình khá hơn, đời sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Có đất, có rừng, xóa nghèo chỉ là sớm muộn, nhiều người dân mới thấm thía cảnh không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê làm mướn.

Sinh ra từ rừng, lớn lên với rừng, bà con dân tộc miền núi cần có đất rừng để sản xuất, để gắn bó với làng bản, giữ đất, giữ rừng.
Sinh ra từ rừng, lớn lên với rừng, bà con dân tộc miền núi cần có đất rừng để sản xuất, để gắn bó với làng bản, giữ đất, giữ rừng.

Sinh ra từ rừng, lớn lên với rừng, bà con dân tộc miền núi cần có đất rừng để sản xuất, để gắn bó với làng bản, giữ đất, giữ rừng. Bởi ngoài vấn đề kinh tế còn là vấn đề an sinh xã hội, sinh kế bền vững. Và cũng như người dân nơi đây, các thế hệ này qua đi, thế hệ khác tiếp nối lập thân lập nghiệp, giữ đất, giữ rừng, lớp keo này thu hoạch sẽ có lớp keo khác thay thế để rừng mãi mãi xanh.

(Thanh Huyền - Trường Ca)