Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hiệu quả các tuyến đường nguyên liệu

09:51, 27/10/2016

Để "sỏi đá thành cơm", việc đầu tư xây dựng những tuyến đường nguyên liệu đã góp phần nâng cao giá trị nông sản của huyện miền núi Thanh Chương.

Từ nhiều năm nay, mỗi khi đến mùa thu hoạch, gần 100 hộ dân ở thôn Thượng Lâm - xã Thanh An - huyện Thanh Chương phải vắt hết sức lao động của mình, đi bộ hàng km để vác từng bao sản phẩm ra đường chờ xe vào thu mua do không có đường đi vào các trang trại.

Người dân thon Thượng Lâm - xã Thanh An chung tay, góp sức mở đường nguyên liệu
Người dân thôn Thượng Lâm - xã Thanh An chung tay, góp sức mở đường nguyên liệu

Biết là vất vả, mệt nhọc, nhưng vì mưu sinh nên ông Nguyễn Đình Hòa vẫn phải làm, và mọi người dân thôn Thượng Lâm - xã Thanh An đều phải làm. Theo giá hiện tại, 1 tạ chè búp tươi có giá 350 ngàn đồng, nếu không làm như thế thì sẽ bị giảm mất 40% giá của thị trường để trừ chi phí vận chuyển. Ông Hoà tâm sự: Cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn, nhất là không có đường đi lại nên sức người bỏ ra lớn mà giá trị nông sản cũng không cao.

Những tuyến đường nâng cao giá trị  cây nông sản của người dân miền núi huyện Thanh Chương
Những tuyến đường nguyên liệu được mở ra đã nâng cao giá trị cây nông sản của người dân miền núi huyện Thanh Chương

Cũng là người sống dựa vào vườn đồi nhưng đã hơn 3 năm nay 15ha đất đồi núi của gia đình anh Phạm Văn Việt ở xóm 15 xã Thanh An vẫn đang còn nằm nguyên hiện trạng vì không có đường đi vào. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc có đường đi lại, mặc dù cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn nhưng anh cũng đã phải vay mượn và bỏ ra trên 100 triệu đồng để mở đường đi vào phần lô của gia đình mình. Theo anh, bây giờ bỏ ra 100 triệu đồng thì 5 năm sau anh sẽ thu được trên 1 tỷ đồng nhờ vào việc phát triển các loại cây nguyên liệu và ăn quả như keo, chè và  cây Bưởi Diễn. Do vậy, anh Việt đã bán 2 con trâu và vay ngân hàng thêm 60 triệu đồng nữa để mở đường.

Những vùng đất hoang hóa nay đã trở thành những vùng nguyên liệu trù phú
Những vùng đất hoang hóa nay đã trở thành những vùng nguyên liệu trù phú

May mắn hơn những vùng nguyên liệu  khác, nhân dân ở các xóm 11, 12, 13 xã Thanh Hương - huyện Thanh Chương làm ăn thuận lợi hơn rất nhiều nhờ rất lo sợ chè bị ôi, bị hỏng nhưng nay thu hoạch đến đâu thì có xe vào thu mua đến đó. Họ đã hết cảnh ăn ở tạm bợ trong những lán trại lụp xụp. Những ngôi nhà mái ngói kiên cố đã mọc lên, đất lành chim đậu vùng trại heo hút ngày xưa đã trở thành làng xóm.

Và đã làm nên một diện mạo mới trên vùng đất cằn...
Và đã làm nên một diện mạo mới trên vùng đất cằn...

Là 1 trong những địa phương nằm tận cùng của huyện Thanh Chương, xã Thanh Lâm có tổng diện tích đất tự nhiên lớn với trên 3781ha. Trong đó, có trên 1500ha đất lâm nghiệp, 1000ha sắn nguyên liệu. Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại mà cuộc sống của người dân xã Thanh Lâm đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là cây chè, sắn, keo nguyên liệu. Nghị quyết đại hội đảng bộ xã nhiều nhiệm kỳ đặt ra nhưng chưa thực hiện được đó là phải mở và nâng cấp và tu sửa tuyến đường nguyên liệu đi vào các vùng kinh tế trên địa bàn xã. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyến Đồi Thông đi Cầu Kho dài gần 7km. Đây là tuyến đường trọng yếu, đồng thời cũng là đường nguyên liệu và đường tránh lũ của địa phương. Hiện tại, địa phương đã làm xong việc quy hoạch và mở đường đất. Đã có đường để đi nhưng mùa nắng thì có thể xe “bò” đi được còn mùa mưa thì các loại xe dù chở hàng hay không chở hàng đều phải nằm yên tại chỗ vì đường trơn trợt, lầy lội. Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm huyện Thanh Chương mong muốn được cấp trên hỗ trợ để hoàn thiện các tuyến đường vì nguồn kinh phí của địa phương hạn hẹp.

Người dân xóm 13 xã Thanh Hương đang thu hoạch chè nguyên liệu
Người dân xóm 13 xã Thanh Hương đang thu hoạch chè nguyên liệu

Là huyện có diện tích đất tự nhiên lớn, trong đó, diện tích đất đối núi lớn chiếm hơn 1/3. Trong đó, có 4500 ha chè công nghiệp, trên 20.000ha keo nguyên liệu. Thời gian qua, huyện Thanh chương đã thu hút các nhà đầu tư, dự án để xây dựng và mở các tuyến đường giao thông. Từ một huyện tứ tắc nay Thanh Chương đã có trên 500km đường nhựa, đường bê tông; đã và đang đầu tư làm mới thêm nhiều tuyến đường nguyên liệu nối từ tỉnh lộ 533 và đường mòn Hồ Chí  Minh đi vào các vùng như: Tuyến từ Cầu Trai đi xã tái định cư Ngọc lâm, Võ Liệt đi Thanh Hà, Thanh Mai, Thị Trấn đi Thanh Phong, từ Thanh Phong đi Thanh Hưng…

Để “sỏi đá thành cơm”, việc đầu tư xây dựng những tuyến đường nguyên liệu đã góp phần nâng cao giá trị nông sản của huyện miền núi Thanh Chương. Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện ưu tiên số 1 cho việc đầu tư xây dựng và làm đường nguyên liệu. Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh các tuyến đường đang thi công dở dang, tu sửa và nâng cấp các tuyến đường đã bị xuống  cấp.

(Hữu Thịnh)