Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hướng tới thương hiệu dê sạch Tân Kỳ

10:38, 10/02/2017

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, địa hình, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở Tân Kỳ đã chú trọng phát triển chăn nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình, nhờ đó mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, huyện đang triển khai các chính sách khuyến khích xây dựng thương hiệu dê sạch.

Gia đình Anh Nguyễn Văn Lập ở xóm Vĩnh Đồng - xã Tân Xuân đã gắn bó với nghề chăn nuôi dê nhiều năm nay. Hiện gia đình có tổng đàn gần 30 con, trong đó có 8 con dê sinh sản.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lập hiện có tổng đàn gần 30 con dê
Gia đình anh Nguyễn Văn Lập hiện có tổng đàn gần 30 con dê

Theo anh Lập, ban đầu mua mỗi con dê sinh sản có giá khoảng 4 triệu đồng, mỗi năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con, nuôi trong vòng 6 tháng đạt trọng lượng từ 20 đến 25 kg/con và bán với giá từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/kg dê hơi thì mỗi con dê sinh sản cho giá trị kinh tế hơn 8 triệu đồng/năm và tuổi thọ sinh sản kéo dài trong nhiều năm. Từ chăn nuôi dê, mỗi năm mang về cho gia đình anh gần 60 triệu đồng. Anh Lập chia sẻ: Làm nông nên phát triển thêm con dê vì nó ăn các lá rừng chủ yếu, mình chỉ phụ họa thêm cho ăn ít ngô, cám gạo, phát triển của nó là mỗi mạ bình quân mỗi năm đẻ 2 lứa.

Đàn Dê của gia đình anh Dũng
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng đầu tư nuôi 10 con dê sinh sản, mỗi năm tổng đàn dê sinh sản từ 40 đến 50 con

Nhận thấy Dê là con vật dễ nuôi, phù hợp với địa hình đồi núi nên năm 2014, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Thanh Trà - xã Tân Xuân cũng đã đầu tư nuôi 10 con dê sinh sản, mỗi năm tổng đàn dê sinh sản từ 40 đến 50 con. Sau thời gian 4 tháng là có thể xuất bán, mỗi năm bán 8 tạ dê, đem lại nguồn lãi ròng cho gia đình hơn 80 triệu đồng. Để đàn dê phát triển nhanh, thì ngoài thức ăn là lá rừng, gia đình anh còn trồng hơn 1 ha mía, ngô, sắn để chủ động bổ sung nguồn thức ăn, nhất là vào thời điểm thời tiết mưa rét. Hiện nay gia đình anh đang đầu tư phát triển mô hình dê sạch Tân Kỳ.

Tân Xuân là xã vùng cao của huyện Tân Kỳ, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, bởi vậy cấp ủy chính quyền địa phương đã xác định phát triển chăn nuôi dê nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đây là hướng đi phù hợp bởi địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, chi phí đầu tư ban đầu lại thấp nên nhiều hộ dân phù hợp với điều kiện kinh tế nhiều hộ dân và nơi đây có nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào nên tận dụng làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Đến nay, toàn xã Tân Xuân có hơn 200 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn gần 2.700 con. Nhờ chăn nuôi dê mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở xã Tân Xuân chỉ còn dưới 8%. Năm nay, Tân Xuân được UBND huyện Tân Kỳ chọn hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi dê theo đề án xây dựng thương hiệu Dê Tân Kỳ từ nay đến năm 2020.

Hiện nay toàn huyện Tân Kỳ có hơn 22.000 con dê
Hiện nay toàn huyện Tân Kỳ có hơn 22.000 con dê

 Ông Phan Văn Trang - Phó chủ tịch UBND xã Tân Xuân huyện Tân Kỳ cho biết. Để phát triển đàn dê, nâng tổng đàn dê ngày càng phát triển mạnh hơn thì trong quá trình tổ chứ chúng tôi sẻ chỉ đạo kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cụ thể để làm sao động viên nhân dân xây dựng thành công mô hình dê sạch tại địa bàn.

Tân Xuân chỉ là một trong nhiều địa phương của huyện Tân Kỳ chú trọng phát triển chăn nuôi dê, đến nay, toàn huyện có tổng đàn dê lên tới hơn 22 nghìn con và trong đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016- 2020, Tân Kỳ quyết tâm xây dựng thành công thương hiệu dê sạch.

Ông Phạm Văn Hóa- Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khẳng định: Với tiềm năng lợi thế của địa phương thì vừa qua BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016- 2020, trong đó, có nội dung xây dựng thương hiệu dê Tân Kỳ. Hiện nay huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các bước để hoàn thiện thủ tục, đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ khuyến khích các địa phương phát triển quy mô, tăng tổng đàn, trong đó có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình Dê sạch tại xã Tân Xuân, để từng bước nhân rộng. Phấn đấu đến năm 2020 là Tân Kỳ có từ 3 đến 5 trang trại chăn nuôi dê có quy mô lớn.

Anh Dũng trồng Sắn làm thức ăn cho Dê
Ngoài ngô, khoai thì Sắn còn là thức ăn bổ dưỡng cho Dê

Là huyện có tới hơn 38.000ha đất lâm nghiệp, chủ yếu là đồi núi thấp thích hợp phát triển chăn nuôi dê và qua thực tế đã chứng minh điều đó. Chăn nuôi dê đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân, bà con có thu nhập dàn trải trong năm, chi phí đầu tư thấp, tận dụng tối đa thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp. Với việc xây dựng thương hiệu Dê Tân Kỳ sẽ tạo điều kiện cho bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống dân sinh.

(Cẩm Tú - Như Lành)