Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bệnh phấn trắng hoành hành cây cao su vùng Phủ Quỳ

17:02, 22/04/2017

Như thường lệ, vào giữa  tháng 3 là thời điểm chính vụ khai thác mủ cao su ở các nông trường Phủ Quỳ. Thế nhưng, cho đến nay, loại cây công nghiệp chủ lực này trên vùng đất đỏ ba zan thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa có mủ để thu hoạch. Nguyên nhân do dịch bệnh phấn trắng bùng phát trên hầu khắp diện tích cao su thời kì kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Cao su Nghệ An.

Khu vực trồng cao su rộng lớn thuộc các xóm Phú Tân, Phú Thuận, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa vào thời điểm này vắng bóng công nhân cạo mủ. Mặc dù, nhiều năm qua, đây là rừng cao su cho sản lượng mủ cao trong thời điểm hiện nay. Một vài hộ nhận khoán rừng cây cao su của Nông trường Tây Hiếu 1 có mặt trên đồi cao su thì cũng chỉ biết thẫn thờ nhìn thân cây, chờ đợi cây sẽ cho mủ sắp tới.

Vì dịch bệnh phấn trắng, cây cao su chưa thể cho mủ nên người dân chưa làm gióng bát hứng mủ.jpg
Vì dịch bệnh phấn trắng, cây cao su chưa thể cho mủ nên người dân chưa làm gióng bát để hứng mủ

Chị Hoàng Thị Ngọc Tú, đội Phú Mỹ, xóm Phú Thuận hộ nhận khoán thuộc Nông trường Tây Hiếu 1, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3ha, trong đó có 1ha cao su thời kì kiến thiết và 2 ha thời kì kinh doanh lấy mủ. Năm nay nghe nói giá mủ  có tăng hơn, vậy mà hộ trồng cao su  như chúng tôi lại không thể có mủ để bán. Đành phải chờ cây cao su ra lộc mới, may ra cuối tháng 5 thì cho thu hoạch mủ.

Công ty TNHH  Một thành viên Cà phê Cao su Nghệ An quản lý, kinh doanh 2100ha cao su. Đơn vị có tới 5 nông trường chuyên chăm sóc, khai thác mủ cao su. Theo lãnh đạo Công ty, nguyên nhân dẫn đến cây cao su chưa thể lấy được mủ, là do xẩy ra liên tiếp nhiều đợt dịch bệnh phấn trắng trên thân cây, cành lá, mà  thời tiết lại nắng nóng thất thường khiến cao su thiếu điều kiện để tích mủ.

Từng hàng cao trụi lá vì bệnh phấn trắng
Từng hàng cao trụi lá vì bệnh phấn trắng

Ông Hoàng Ngọc Cần- Giám đốc Nông trường Tây Hiếu 1 cho biết: Nông trường quản lí 1.100ha, trong đó có 900ha cao su thời kì kinh doanh lấy mủ. Nếu bình thương vào chu kỳ khai thác mủ, thì mỗi ha cao su sẽ cho 30 kg mủ nước/ 1 ngày và 3kg mủ tạp, với giá trị hơn 200 nghìn đồng. Mà một tháng có 24 ngày cạo mủ,  như vậy, cứ trên 1 ha cao su mất mùa, bà con thiệt hại từ 4 đến 5 triệu đồng. Hiện nay, tại Nông trường Tây Hiếu 1 có 1500 hộ nhận khoán trồng cao su.

Hộ dân nhận khoán đội Phú Mĩ, Nông trường Tây Hiếu 1 lo lắng khi đã vào mùa mà chưa thể thu hoạch
Hộ dân nhận khoán đội Phú Mĩ, Nông trường Tây Hiếu 1 lo lắng khi đã vào mùa mà chưa thể thu hoạch

Đây là lần thứ hai, kể từ đợt mất mùa năm 2014 cây cao su trên vùng đất đỏ bazan  thiếu mủ trong chính vụ thu hoạch . Theo tính toán của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Cao su Nghệ An, hơn tháng qua, doanh nghiệp mất hàng trăm tấn mủ. Nhiều hộ dân nhận khoán rừng cao su cũng không thể bói đâu ra sản lượng mủ để bán và nộp theo phần trăm giao khoán cho các nông trường. Theo ông Trần Đức Tiến- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Cao su Nghệ An: Chúng tôi đang chỉ đạo, động viện cán bộ công nhân viên lao động đầu tư chăm sóc cật lực để cây đủ chất dinh dưỡng phát triển để vượt qua tình trạng bệnh phấn trắng hiện nay, chuẩn bị một số điều kiện cần thiết, dự kiến cuối tháng năm có thể bắt đầu cho thu hoạch. Còn về biện pháp phun thuốc phòng trừ bệnh phấn trắng rất khó khăn vì điều kiện phương tiện không cho phép.

Lá non, chồi, cuống lá cao su rụng từng đám do bệnh phấn trắng gây
Lá non, chồi, cuống lá cao su rụng từng đám do bệnh phấn trắng gây

Trong khi cây cao su trên vùng đất bazan Thái Hòa và Nghĩa Đang bị thiệt hại đáng kể do dịch bệnh phấn trắng hoành hành, thì giá cả mủ cao su trên thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu bắt đầu tăng. Mủ nước tăng từ 6 nghìn lên 8 nghìn đồng/1 lít. Riêng mủ cao su cốm qua chế biến, đã tăng từ 45 triệu đồng lên 55 triệu đồng/ 1 tấn. Thế nên loại cây công nghiệp chủ lực này ở  Phủ Quỳ nhiễm bệnh  đang khiến cho cả doanh nghiệp và hộ dân lâm vào tình cảnh “ thiệt đơn thiệt kép”./.

(Hồ Dương Cầm)