Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Siết chặt công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản

08:43, 15/04/2017

Tân Kỳ là một trong những huyện miền núi có ưu thế về khoáng sản, song công tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đến nay công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.

Tân Kỳ có dòng sông Con chảy từ đầu huyện đến cuối huyện với chiều dài khoảng 43 km. Sông nhỏ và cạn vào mùa khô, rất thuận lợi cho khai thác cát sỏi, hơn nữa cát sỏi ở đây có trữ lượng lớn và chất lượng tốt. Toàn huyện có khoảng 42 điểm mỏ lớn, chưa kể các điểm nhỏ lộ thiên khác. Trước năm 2012, do công tác quản lý cát sỏi trên địa bàn Tân Kỳ còn buông lỏng, các hoạt động khai thác diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng tới môi trường, trở thành điểm nóng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân …

Trước năm 2012, công tác quản lý cát sỏi trên địa bàn Tân Kỳ còn buông lỏng, các hoạt động khai thác diễn ra phức tạp.
Trước năm 2012, công tác quản lý cát sỏi trên địa bàn Tân Kỳ còn buông lỏng, các hoạt động khai thác diễn ra phức tạp.

 

Để chấn chỉnh tình trạng này, từ năm 2013 đến nay, Tân Kỳ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Xác định đây là một quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy chính quyền các địa phương, phải ra quân quyết liệt dẹp bằng được và thực hiện kiên trì, liên tục trong cả năm. Huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời đối với công tác quản lý nhà nước về cát sỏi. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện để kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép và duy trì hoạt động của đoàn theo hàng năm.

Cát tặc lộng hành đã làm ảnh hưởng tới môi trường, trở thành điểm nóng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Cát tặc lộng hành đã làm ảnh hưởng tới môi trường, trở thành điểm nóng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

  “Sau khi đảng ủy, UBND xã nhận được công văn của tỉnh, của huyện, chúng tôi đã triển khai thực hiện ngay. Cùng với thành lập đoàn kiểm tra có đầy đủ các ban ngành đoàn thể, giao nhiệm vụ trực cho các thành viên cụ thể, thường xuyên theo dõi ngày cũng như đêm. Cùng với đó, đoàn kiểm tra của huyện cũng thường xuyên về đây kết hợp với chúng tôi kiểm tra liên tục cho nên thời gian qua trên địa bàn đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép kịp thời theo thẩm quyền.” - Ông Trần Văn Tình, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long trao đổi.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lí hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên sông Con.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra và xử lí hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên sông Con.

“Riêng ở Tân Kỳ ra thêm một quy định đó là giao trách nhiệm quản lý tài nguyên cát sỏi cho Chủ tịch UBND các xã, ở đâu diễn ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép thì chính quyền quyền xã không biết không xử lý để huyện về xử lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Thứ 2 nữa là phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiểu đây là tài nguyên của đất nước để mọi người có ý thức bảo vệ, tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân ký cam kết không tham gia hoạt động khoáng sản trái phép. Thứ 3 nữa là tiến hành tổ chức quy hoạch, các điểm mỏ có điều kiện khai thác thì quy hoạch và đề xuất với tỉnh để cấp phép khai thác.” -  Ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết thêm.

Tỉnh đã thực hiện cấp phép cho 13 doanh nghiệp hoạt động khai thác tại 13 điểm mỏ trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Tỉnh đã thực hiện cấp phép cho 13 doanh nghiệp hoạt động khai thác tại 13 điểm mỏ trên địa bàn huyện Tân Kỳ.

Kết quả, 4 năm qua, Tân Kỳ đã ban hành 32 văn bản quản lý nhà nước về để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; Thành lập 4 đoàn kiểm tra duy trì hoạt động trong suốt cả năm. Tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép. Đồng thời phối hợp nhiều đợt với đoàn kiểm tra của tỉnh để kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi. Qua kiểm tra, đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 trường hợp, rào, múc đường vào 11 bến tập kết cát sỏi trái phép, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 250 triệu đồng. UBND huyện cũng đã yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại trong quá trình khai thác cát sỏi như khai thác, tập kết đúng với hồ sơ thiết kế, chỉ được hoạt động khai thác trong phạm vi mỏ được cấp phép và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thuê đất,  ký quỹ phục hồi môi trường, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Đến thời điểm này, 42 điểm mỏ cát sỏi dọc theo sông Con đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2015 về quy hoạch thăm dò, khai thác các điểm mỏ khai thác cát sỏi đến năm 2020. Tỉnh cũng đã thực hiện cấp phép cho 13 doanh nghiệp hoạt động khai thác tại 13 điểm mỏ. Trong đó, có 11 đơn vị đã hoạt động khai thác, có 2 đơn vị chưa hoạt động khai thác.

Đến nay, cơ bản không còn xẩy ra các hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Đến nay, cơ bản không còn xẩy ra các hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện Tân Kỳ.

Từ việc ra quân quyết liệt, đến nay, khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Kỳ hoạt động đã đi vào ổn định, các hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép đã được phát hiện, xử lý kịp thời, các xã đã tổ chức các biện pháp ngăn chặn như tổ chức rào chắn đường, múc phá các bến tập kết, cơ bản không còn xẩy ra các hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện../.

(Hiến Chương)