Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chổi đót Hòa Hội: Vất vả tìm đầu ra

09:39, 24/05/2017

Làng nghề chổi đót Hòa Hội, xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn được công nhận làng nghề được gần 10 năm nay nhưng lại đang hoạt động đang theo kiểu "mạnh ai nấy làm", thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhiều hộ làm nghề, sản xuất ra, phải rong ruổi nhiều nơi để tìm mối tiêu thụ.

Sau mùa vụ, các gia đình trong xóm Hòa Hội lại cặm cụi làm chổi đót, nhà ít thì một, hai người, nhiều thì 5 đến 7 người. Làm chổi đót kỳ công, tỷ mỉ nhưng giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở Hòa Hội. Nguyên liệu thì không thiếu nhưng làm nhiều hay ít lại tùy thuộc vào khả năng tiêu thụ của từng gia đình. Hơn 80 hộ sản xuất chổi đót trong làng sau khi làm xong phải tự túc đi bán chổi khắp nơi, nhiều hộ gặp khó khăn nên phải sản xuất cầm chừng.

Làm chổi đót giải quyết được hàng trăm lao động nông nhàn
Làm chổi đót giải quyết được hàng trăm lao động nông nhàn

Anh Nguyễn Hồng Phong là hộ sản xuất nhiều chổi đót nhất làng, mỗi năm khoảng 2 nghìn chiếc. Tuy có nhiều nhân lực nhưng anh cũng không phát triển thêm vì khó tiêu thụ. Sau khi chổi làm xong, vợ chồng anh phải rong ruổi khắp Hà Tĩnh, Thanh Hóa để bán chổi. Đó là đối với những hộ tìm được mối bán thì mới dám sản xuất nhiều.

Nhiều gia đình như à Phạm Thị Kim thì mỗi năm là khoảng 500 chiếc vì khâu tiêu thụ gặp khó. Bà Kim chia sẻ: Làm ra nhiều sợ ế nên chỉ dám làm vừa bán thôi. Nếu như có thị trường tiêu thụ thì làng nghề đỡ vất vả hơn.

Mẫu mã được cải tiến để phù hợp với nhu cầu của nhân dân
Mẫu mã được cải tiến để phù hợp với nhu cầu của nhân dân

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm chổi đót Hòa Hội đã đa dạng các mẫu mã với giá cả khác nhau từ 25 nghìn đến 50 nghìn đồng/ chiếc. Anh Nguyễn Thanh Tùng, người làm chổi đót lâu năm ở Hòa Hội chia sẻ: ở nông thôn họ thích mua chổi to, dày để quét lúa nhưng đến thành phố mà bán chổi đó thì không ai mua. Vì vậy, ngoài sản xuất chổi truyền thống, gia đình học tập kết chổi kiểu mới, đẹp hơn, gọn nhẹ hơn. Thị trường có nhu cầu kiểu nào mình làm kiểu đó. Tuy nhiên, đi bán chổi rất vất vả, người có ô tô thì thuận tiện đi nhập ở các vùng ngoại tỉnh, còn không bà con đánh xe máy đi khắp nơi bán lẻ. Nhưng gắn bó với nghề rồi, hơn nữa cũng cho thu nhập hơn trồng lúa, lại tranh thủ được thời gian nông nhàn nên nhiều gia đình vẫn bám nghề.

Tiêu thụ khó khăn nên mỗi năm bà Phạm Thị Kim, làng Hòa Hội chỉ sản xuất khoảng 300 đến 500 chiếc chổi .JPG
Tiêu thụ khó khăn nên mỗi năm bà Phạm Thị Kim, làng Hòa Hội chỉ sản xuất khoảng 300 đến 500 chiếc chổi/ mùa

Trong thời gian qua, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Nghĩa Đàn đã tổ chức dạy nghề chổi đót theo mẫu mới cho hội viên phụ nữ ở Hòa Hội. Tổ hợp tác liên kết sản xuất cũng được thành lập với 30 hội viên nhằm hỗ trợ nhau về vốn để mua nguyên liệu cũng như liên kết để tìm đầu ra. Các hội viên cũng mong muốn đây là cơ hội để sản phẩm chổi đót được tiêu thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bước đầu tổ liên kết cũng mới hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất chổi còn đầu ra sản phẩm thì vẫn đang loay hoay.

Vốn là nghề phụ nhưng nghề làm chổ đót lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, ngoài việc người dân không ngừng phải nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật, thay đổi mẫu mã thì cần có sự giúp đỡ, vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức nhằm giúp sản phẩm được tiêu thụ dễ dễ dàng hơn. 

(Đinh Thùy, Đức Anh - Đài Nghĩa Đàn)