Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khôi phục, bảo tồn đặc sản vịt bầu Quỳ Châu

08:14, 18/05/2017

Thực hiện dự án khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ, từ năm 2015 đến nay, huyện Quỳ Châu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, có các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn tích cực nhân giống phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi đàn vịt bầu Quỳ. 

Lâu nay, vịt bầu Quỳ là một trong những đặc sản có tiếng có nguồn gốc từ huyện Quỳ Châu, hiện được phân bố ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong. Vịt bầu Quỳ có đặc điểm mình to, chân thấp, cổ ngắn, có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, gió phơn tây nam. Thịt thơm ngon, vị ngọt do được nuôi theo hình thức thả rông. Thức ăn chủ yếu là cá, tép dưới khe suối. Đặc điểm khí hậu mùa đông lạnh, mùa hè không quá nóng giúp giống vịt bầu Quỳ phát triển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những năm qua đặc sản vịt bầu của vùng miền núi Quỳ Châu có chiều hướng bị mai một.

Do nhiều nguyên nhân, những năm qua đặc sản vịt bầu của vùng miền núi Quỳ Châu có chiều hướng bị mai một.
Do nhiều nguyên nhân, những năm qua đặc sản vịt bầu của vùng miền núi Quỳ Châu có chiều hướng bị mai một.

Trước thực trạng đó, để từng bước phát triển tổng đàn với quy mô lớn, thâm canh cao, chăn nuôi sạch, bảo tồn được quỹ gen, khôi phục những đặc tính tốt, nổi trội ban đầu của giống Vịt bầu Quỳ quý hiếm, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3450 phê duyệt dự án Hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ huyện Quỳ Châu giai đoạn 2015- 2017,  tại các xã: Châu Tiến, Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Phong, Châu Bình và Thị Trấn Tân Lạc.

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi vịt bầu của gia đình chị Phạm Thị Nga ở bản Bình 3, xã Châu Bình. Chị Nga lúc này đang tất bật, quần xắn cao tận đầu gồi, khệ nệ bê bao tải đựng thức ăn ra tận mép ao chuẩn bị bữa trưa cho đàn vịt. Vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi, chị chia sẻ, chị vốn gốc quê ngoài Thanh Hóa, sau khi chồng đi bộ đội phục viên, chị cùng chồng về quê chồng- Châu Bình sinh sống. Vợ chồng bàn nhau xây dựng trang trại, làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương. Ngay từ năm 2002, vợ chồng chị Nga đã mua 8 con bò và dê chăn nuôi. Đến năm 2009, trong trang trại lúc nào cũng có đàn dê, bò trên 200 con. Tuy nhiên, thời điểm đó, giá cả bấp bênh, nên đành phải bán đi một số, số còn lại cho bà con nhận nuôi rẽ. Vất vả cực nhọc là thế, nhưng thấy mình vẫn không giàu bằng người đi buôn, thế rồi, một thời gian anh chị cũng đi buôn. Nhưng sau một thời gian bươn chải, chị thấy rằng làm gì cũng phải gắn bó với mảnh đất quê hương mình, chị lại tiếp tục quay về đầu tư vào trang trại.

Nhận 10ha đất 5% của xã, chị Phạm Thị Nga đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu.
Nhận 10ha đất 5% của xã, chị Phạm Thị Nga đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu.

Năm 2012, chị Nga bắt đầu nuôi giống gà Mông, ngỗng, dê... nhưng rồi lại tiếp tục thất bại. Qua 2 lần thất bại, chị vẫn không nản chí, đến năm 2015 chị quyết tâm chuyển đổi sang nuôi vịt bầu Quỳ.

Mới đầu, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người cho rằng chị sẽ không thành công. Thế nhưng, chị Nga luôn tâm niệm nếu dễ thì nhiều người cũng đã làm được, hơn nữa có khó khăn thì mới gây hứng thú, mới là mục tiêu cho mình chinh phục. Mặc dù con giống rất khó nuôi vì mới chỉ vài ba ngày tuổi, nhưng nhờ chịu khó, tìm tòi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, đàn vịt bầu phát triển tốt. Sau lứa nuôi đầu tiên, chị tiếp tục lựa chọn  những con giống khỏe mạnh nhất với 350 con vịt mẹ và 50 con vịt bố, cho đẻ rồi ấp nhân giống, số còn lại thì đem bán thịt. Đến bây giờ, đàn vịt bầu Quỳ đã bước sang lứa nuôi thứ 6, hiệu quả kinh tế rất cao. Thời điểm cao nhất trong trang trại có tới 3000 con vịt, mỗi ngày đàn vịt đẻ được 400 quả trứng, bán với giá 3000 đồng/quả, chưa kể tiền bán vịt thịt, giá mỗi con 200 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình chị Nga có thu nhập 30-35 triệu đồng.

“Để có được thành công ngày hôm nay, theo tôi quan trọng phải có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng, có tình yêu vào nghề trang trại, có niềm tin mình sẽ thành công, và hơn nữa tôi có được sự  hỗ trợ từ chính sách Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, bạn bè cũng rất nhiều người ủng hộ, vợ chồng tôi cũng quyết tâm không phụ lòng tin của mọi người. Bây giờ, tôi chỉ có mong muốn, đó là tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình, muốn con vịt bầu Quỳ không chỉ là thương hiệu của Quỳ Châu, mà của cả tỉnh Nghệ An, vươn ra được thị trường trong cả nước”- chị Nga mong muốn.

Đến bây giờ, đàn vịt bầu Quỳ trong trang trại gia đình chị Nga đã bước sang lứa nuôi thứ 6, hiệu quả kinh tế rất cao
Đến bây giờ, đàn vịt bầu Quỳ trong trang trại gia đình chị Nga đã bước sang lứa nuôi thứ 6, hiệu quả kinh tế rất cao

“Sau khi huyện có dự án Dự án bảo tồn, khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ thì xã cũng đã ưu tiên cho hộ gia đình chị Phạm Thị Nga ở bản Bình 3 nhận đất 5% của xã quản lý với tổng diện tích là 10ha để xây dựng trang trại chăn nuôi vịt. Gia đình chị Nga có điều kiện thuận lợi là ao hồ, đất bãi rộng rãi rất phù hợp với việc thực hiện dự án nên xã đã đăng ký với huyện để xây dựng mô hình. Qua 2 năm xây dựng mô hình, thực tế phát triển rất hiệu quả, góp phần bảo tồn được giống vịt bầu Quỳ Châu, tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình chị. Thời gian tới, không chỉ tập trung phát triển đàn vịt bầu tại trang trại của chị Nga mà xã Châu Bình sẽ nhân rộng mô hình này ra những hộ có điều kiện đất đai thuận lợi trong toàn xã để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của huyện”- ông Kim Văn Duyên- Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho biết thêm.

Lãnh đạo xã Châu Bình tham quan mô hình trang trại chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu của gia đình chị Nga
Lãnh đạo xã Châu Bình tham quan mô hình trang trại chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu của gia đình chị Nga

Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, mục tiêu của dự án Hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ trên địa bàn huyện Quỳ Châu, bình quân mỗi năm xây dựng được 20 mô hình chăn nuôi vịt bầu Quỳ tập trung, có quy mô 1.000 con/lứa/năm, với tổng đàn vịt thương phẩm là 60.000 con; Mỗi năm xây dựng 10 lò ấp trứng sản xuất vịt con làm giống, ấp 02 lứa/năm với 2.000 – 2.500 con/lứa. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 9 tỷ đồng, trong đó, Ngân sách nhà nước hỗ trợ là gần 4 tỷ đồng./.

(Hiến Chương)