Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thu tiền tỷ từ nghề nuôi nhốt hải sản

09:57, 05/05/2017

Khi nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ cần thực phẩm ngon mà còn cần tươi sống, đảm bảo tốt cho sức khỏe thì nghề nuôi nhốt hải sản tươi sống ở Quỳnh Lưu ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho các hộ nuôi.

Chị Hồ Thị Hiền – Chủ nhà hàng Hải Hiền, tại Bãi biển Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề nuôi nhốt, lưu trữ hải sản tươi sống để cung cấp cho nhà hàng của gia đình. Chị cho biết: Một món ăn hải sản ngon phụ thuộc lớn vào mức độ tươi sống của nguyên liệu chế biến, hải sản càng tươi sống thì càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng, độ giòn ngọt. Còn các loại hải sản đã chết, đông lạnh nhiều ngày thì có thể dẫn đến ngộ độc, dị ứng, do vậy, nhu cầu sử dụng hải sản tươi sống là rất cao. Hiện nay, gia đình chị đang có 12 bể bằng bê tông và kính để lưu trữ, nuôi nhốt hải sản. Ở mỗi bể đều lắp đặt hệ thống sục khí tạo ô xi cho hải sản sinh sống. Do kinh doanh thêm nhà hàng ăn uống nên chị nuôi nhốt rất nhiều loại hải sản như cá mú, cua, ghẹ, ốc hương, tôm tít…

Hải sản đưa vào nuôi nhốt tươi sống đều là những loài có giá trị cao trên 500.000 đồngkg.JPG
Hải sản đưa vào nuôi nhốt tươi sống đều là những loài có giá trị cao trên 500.000 đồng/ kg

Nhờ lưu trữ được hải sản tươi sống nên thu nhập của gia đình chị cũng tăng lên do giá cả qua các khâu trung gian giảm đi. Mỗi năm, nhờ nuôi nhốt hải sản, gia đình chị có thu nhập hơn 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho từ 5 – 7 lao động thường xuyên.  “Làm cái nghề ni vừa phải chịu khó, vừa phải siêng năng. Phải biết bảo quản hàng. Nếu mới vào nghề mà chưa biết bảo quản mua 10 ký thì chết hết còn 1 ký thôi. Làm nghề ni nó cũng vất vả nhưng đem lại hiệu quả cao” - Chị Hiền nói.

Không chỉ lưu trữ, nuôi nhốt hải sản để phục vụ cho các nhà hàng ăn uống mà nhiều hộ làm nghề này còn hướng tới thị trường xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Lào… Cùng với việc thu mua trực tiếp từ các ngư dân, thương lái trong huyện, cơ sở Bằng Huệ, ở Cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận còn thu mua hải sản tươi sống ở khắp các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra. Hiện cơ sở này có 9 bể nuôi nhốt hải sản với sức chứa 3 tạ mỗi bể.

Các loại hải sản được bảo quản tươi sống sẽ luôn giữ nguyên được giá trị
Các loại hải sản được bảo quản tươi sống sẽ luôn giữ nguyên được giá trị

Theo bà Nguyễn Thị Huệ - chủ cơ sở Bằng Huệ: Để nuôi nhốt được hải sản tươi sống phải đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng đến bể nuôi, hệ thống sục khí, xe vận chuyển hải sản. Như gia đình bà chi phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Và quan trọng là cây nước, nước phải thay thường xuyên, nước phải đảm bảo độ lạnh, độ mặn.

Các mặt hàng hải sản tươi sống được nuôi nhốt ở cơ sở của bà Huệ rất đa dạng với các loại như ốc tù và, ốc hương, ghẹ, cua, cá mú đều là những loại hải sản có giá trị cao từ 500.000 đồng/kg đến hàng triệu đồng/kg. Không chỉ cung cấp cho các nhà hàng hải sản mà còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy kỹ thuật nuôi nhốt hải sản khá tỉ mỉ nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao. Mỗi năm cơ sở Bằng Huệ có thu nhập hơn 2 tỷ đồng từ việc nuôi nhốt hải sản tươi sống.

Việc lựa chọn hải sản tươi sống trước khi đưa vào nuôi nhốt đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.JPG
Việc lựa chọn hải sản tươi sống trước khi đưa vào nuôi nhốt đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao

Cơ sở của bà Hoàng Thị Với, xã Quỳnh Long cũng là một trong những cơ sở thu mua Hải sản tươi sống lớn của huyện Quỳnh Lưu. Bà Hoàng Thị Với cũng đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, bể trữ hải sản, máy sục để thu mua, nuôi nhốt hải sản tươi sống nhiều năm nay. Mặt hàng chính của bà Với là sò lụa xuất khẩu. Sò lụa hay còn gọi là ngao hoa hoặc chíp chíp là một trong số những món ăn thơm ngon, vị ngọt mát, được nhiều người ưu thích vì giàu dinh dưỡng, tốt cho cả người già, trẻ nhỏ và người mới ốm dậy. Hiện nay, cơ sở của bà Hoàng Thị Với có 14 bể nuôi nhốt sò lụa tươi sống. Mỗi bể có sức chứa từ 4 – 5 tấn. Để có đủ nguồn hàng xuất khẩu, cơ sở của bà Với phải thu mua ở nhiều nơi từ Quảng Bình, đến Thị xã Cửa Lò, Cửa Hội và huyện Quỳnh Lưu. Giá thu mua trung bình khoảng 250.000 đồng/kg. Mỗi ngày thu mua từ 1 – 2 tấn sò lụa. Cơ sở Hoàng Thị Với đã tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hệ thống nhà xưởng nuôi nhốt hải sản tươi sống của bà Hoàng Thị Với có chi phí gần 2 tỷ đồng.JPG
Hệ thống nhà xưởng nuôi nhốt hải sản tươi sống của bà Hoàng Thị Với có chi phí gần 2 tỷ đồng

Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có khoảng gần 60 cơ sở, gia đình thu mua, nuôi nhốt hải sản tươi sống, tập trung chủ yếu ở các xã biển như Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Bảng… Việc lưu trữ, nuôi nhốt hải sản tươi sống chủ yếu phải có hệ thống sục khí và đảm bảo việc thay nước thường xuyên để cung cấp nguồn thức ăn là các loài tảo sẵn có trong nước biển. Vì vậy, không mất chi phí thức ăn cho các loài hải sản tươi sống. Tuy nhiên, Hải sản tươi sống như thế này chỉ có thể lưu trữ được từ 5 – 10 ngày là phải xuất bán và chế biến nếu không hải sản có thể bị chết và hao hụt nhiều về trọng lượng làm giảm giá thành sản phẩm.

Các loài hải sản được nuôi nhốt tại Quỳnh Lưu có giá trị rất cao như ốc tù và khoảng 1,5 triệu đồng/kg, ốc hương 600.000 đồng/kg, ghẹ từ 550.000 – 600.000 đồng/kg, Cua 1 triệu – 1,5 triệu đồng/kg, cá múa con từ 2 lạng trở lên 500.000 đồng/kg… Tùy thời điểm giá cả có thể tăng hoặc giảm nhẹ. Nhờ nghề này nên các hộ nuôi nhốt hải sản ở Quỳnh Lưu có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Hệ thống cung cấp nước biển tự động để thay nước, cung cấp thức ăn là các loại tảo sẵn có trong nước biển cho hải sản nuôi nhốt.JPG
Hệ thống cung cấp nước biển tự động để thay nước, cung cấp thức ăn là các loại tảo sẵn có trong nước biển cho hải sản nuôi nhốt

Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Hiệu quả của nghề nuôi nhốt hải sản là rất lớn. Chẳng hạn vào mùa bà con đi khai thác ghẹ, các loại ốc, có những chiều biển về, có những thuyền nghề người ta được từ 5- 7 chục kg, một trăm kg thì nhờ công tác dịch vụ hàng hải sản tức nuôi nhốt hải sản lại thì giá thành cao hơn, không bị tụt giảm. Bình thường bán từ 150 – 120 thì kể cả được nhiều giá nó cũng không chênh lệch nhiều.

Nuôi nhốt hải sản đòi hỏi kỹ thuật cao vì một con chết cũng có thể lây sang các con khác. Tuy nhiên, với những kinh nghiêm qua nhiều năm, hiện nay, các hộ nuôi nhốt hải sản tươi sống ở Quỳnh Lưu đã phát huy được hiệu quả của nghề. Không chỉ thu mua cho ngư dân, các cơ sở lưu trữ, nuôi nhốt hải sản tươi sống còn đầu tư kinh phí mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ, bao tiêu sản phẩm cho các tàu thuyền để có thể lựa chọn được các loài hải sản tươi sống ngon nhất, cho giá trị cao nhất, vừa tăng thu nhập cho các cơ sở, hộ nuôi nhốt hải sản, vừa tăng thu nhập cho người ngư dân, góp phần phát triển nghề khai thác hải sản.

(Thanh Nhàn - Đài Quỳnh Lưu)