Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An tập trung khắc phục thiệt hại bão số 2 trong sản xuất nông nghiệp

19:43, 18/07/2017

Cơn bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An được xem là cơn bão trái với quy luật và gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Một trong những lĩnh vực bị thiệt hại lớn là sản xuất nông nghiệp. Sau cơn bão, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân đang tập trung xuống đồng khắc phục hậu quả.

Sau 50 ngày bỏ vốn, công chăm sóc 5 sào dưa hấu, chỉ tầm 15 ngày nữa mỗi sào dưa hấu sẽ cho gia đình bà Lan thu 12 triệu - 15 triệu đồng. Thế nhưng chỉ sau một đêm bão đổ bộ vào, mọi vốn liếng của gia đình bà Lan đều đổ sông đổ biển.

Nông dân trồng dưa hấu
Nông dân trồng dưa hấu ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc gần mất trắng sau bão số 2.
a
5 sào dưa hấu của gia đình bà Lan chỉ cách ngày thu hoạch tầm 15 ngày. 

May mắn hơn gia đình bà Lan, ruộng dưa hấu của gia đình ông Thu mới bắt đầu ra hoa kết quả. Vì vậy ngay sau cơn bão gia đình đã ra đồng chăm sóc với hy vọng gỡ được phần vốn đã đầu tư cho cây dưa hấu.

Chia sẻ của ông Nguyễn Thu ở xóm 10, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu: “Nếu có thu hoạch được thì cũng vớt vát lại được khoảng 50% chứ trước mắt chưa có kế hoạch gì.”

Các hộ nông dân tích cực khắc phục sau bão để ổn định sản xuất.
Các hộ nông dân tích cực rút nước trong ruộng để khắc phục thiệt hại sau bão. 

Cùng với dưa hấu, cơn bão vừa qua cũnng làm gãy, đổ, hư hỏng gần 8.000 ha hoa màu; ngập 6.000 ha lúa. Sau cơn bão, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chỉ đạo nông dân ra đồng tiêu úng vùng nội động, chăm sóc ổn định sản xuất vụ hè thu.

Nghệ An
Bão số 2 tàn phá 8.000 ha hoa màu và gây ngập 6.000 ha lúa vụ Hè Thu.

Nói về công tác chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: "Sau cơn bão số 2 huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phân công cán bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện và các ngành trực tiếp về cơ sở hỗ trợ bà con nông dân khắc phục bão số 2. Trong đó ưu tiên việc rút nước nhanh, kịp thời trên diện tích lúa và hoa màu; hướng dẫn bà con chăm bón lại diện tích cây trồng."

Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết thêm: "Sở tập trung chỉ đạo rà soát loại toàn bộ diện tích hoa màu, lúa, cây ăn quả, cây lâm nghiệp,... để phân loại mức đô thiệt hại để có những biện pháp khắc phục xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, Sở căn cứ vào số liệu tổng hợp để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho bà con nông dân ổn định sản xuất."

Theo quy luật từ trước đến nay, thời điểm này, bão gần như rất ít khi đổ bộ vào Nghệ An. Tuy nhiên ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tạo nên nhiều sự bất thường gây khó khăn trong công tác né tránh rủi ro thiên tai của người dân. Qua đây cũng thêm một bài học về ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất.

(Thúy Vinh)