Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An gặp khó khăn trong nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp

11:31, 03/08/2017

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, Nghệ An đã triển khai, xây dựng hàng nghìn mô hình sản xuất nông  nghiệp. Chỉ tính từ năm 2011 đến 2016, toàn tỉnh đã xây dựng trên 5.000 mô hình với tổng kinh phí trên 483 tỷ, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 68 tỷ, chiếm 14,2 %. Thế nhưng hiện nay, việc nhân rộng mô hình gặp rất nhiều khó khăn.

Mô hình thí điểm trồng cây đinh lăng được triển khai tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông; mô hình nuôi gà đen triển khai vào cuối năm 2011 tại bản Minh Châu, xã Tri Lễ, Quế Phong; hay mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương… và rất nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt cũng đã thất bại hoặc không thể triển khai nhân rộng.

Theo chia sẻ của ông Cao Như Quỳnh ở xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp: “Mô hình không thành công vì nông sản không bán được; hơn nữa trong phát triển mô hình chưa đi sâu vào khâu kỹ thuật.”

Người dân liên tục thay đổi giống cây trồng , vật nuôi nên việc phát triển mô hình nhân rộng
Người dân liên tục thay đổi giống cây trồng, vật nuôi do gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ, nên việc phát triển mô hình nhân rộng không tạo được tính bền vững.

Không chỉ ở miền núi mà ở vùng đồng bằng cũng đã có nhiều mô hình sản xuất “chết yểu”. Cách đây 1 năm, gia đình ông Nguyễn Thiện Cường ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu được Trạm khuyến nông huyện chọn xây dựng mô hình nuôi lươn trong bể xi măng. Được hỗ trợ về con giống, thức ăn, khoa học kỹ thuật, gia đình ông Cường rất kỳ vọng đây là vật nuôi có tính bền vững và về lâu dài có thể thay thế các ô nuôi cá nóc cũ của gia đình. Thế nhưng mô hình đã phải dừng lại ngay sau khi thu hoạch vụ đầu tiên. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Thiện Cường là do sản phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường.

Dự án nuôi lươn không bùn tưởng chừng mang lại hy vọng cho người dân nhưng phải
Dự án nuôi lươn không bùn tưởng chừng mang lại hy vọng cho người dân nhưng phải nghỉ chỉ sau 1 vụ đầu.

Còn tại cánh đồng trồng rau màu của nông dân xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn. Đã có rất nhiều loại cây trồng được trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, sau nhiều lần trồng thử, hiện nay chỉ có mô hình trồng hẹ, hoa lý là vẫn đang được duy trì và nhân rộng. Dù nông dân ở đây rất nỗ lực và luôn mong muốn được tiếp cận với các loại cây trồng mới, song để mô hình tồn tại khi sự hỗ trợ của nhà nước kết thúc là rất khó khăn.

Nhận định của ông Nguyễn Hữu Sơn – Cán bộ nông nghiệp xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn: “Do biến động giá cả thị trường không đáp ứng được nhu cầu của bà con nên mô hình không phát triển bền vững.”

Trồng cây gì, nuôi con gì không phải là điều khó với nông dân. Nhưng ngược lại, sản xuất hàng hóa với khối lượng nông sản lớn rồi bán ở đâu, bán cho ai, đó mới là điều mà rất nhiều nông dân trăn trở, tìm kiếm lâu nay. Và vì không có lời giải, thiếu khả thi nên nhiều mô hình đã “chết yểu”. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp cũng đang đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.

“Để  giải quyết vấn đề này theo tôi phải chọn được loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương; xây dựng liên kết được chuỗi sản xuất để đảm bảo tính bền vững của mô hình. .” – Chia sẻ của ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Như vậy để các mô hình sản xuất nông nghiệp tồn tại và có thể nhân rộng, thì yếu tố đầu tiên vẫn là đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên đây không phải là trách nhiệm của mỗi ngành nông nghiệp mà cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cũng như sự nỗ lực của nông dân./.

Thúy Vinh – Trường Ca