Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lợn đen lai lợn rừng – hướng đi mới của người chăn nuôi Con Cuông

12:40, 25/11/2017

Phát huy lợi thế đồi rừng, gần đây, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông đã phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, mô hình nuôi lợn đen lai lợn rừng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống lợn truyền thống.

Mặc dù mới chăn nuôi giống lợn này được gần 2 năm nhưng gia đình chị Lô Thị Tuất ở bản Nam Đình, xã Chi Khê đã thấy được kết quả. Ban đầu gia đình chỉ nuôi 2 con lợn nái đen cho phối giống với lợn rừng. Sau vài lứa lợn sinh sản, gia đình chọn lọc ra những con lợn khỏe mạnh để làm giống. Đợt cao điểm, tổng đàn đạt 30 – 40 con. Với giá bán từ 100.000 – 120.000 (lợn có trọng lượng 15 – 22kg), hiệu quả kinh tế mang lại từ giống lợn này cao hơn so với giống địa phương. Càng gần Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua lợn rừng, lợn nít càng tăng cao, giá bán có thể cao hơn ngày thường. Vì vậy thời gian tới gia đình chị Tuất tiếp tục đầu tư và mở rộng phát triển tổng đàn.

a
Lợn đen lai lơn rừng có ưu điểm ít bệnh, không tốn công chăm sóc, tốn đầu tư ban đầu ít nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn giống lợn truyền thống của địa phương.

Chị Lô Thị Tuất cho biết thêm: “Giống lợn này ít bệnh, không tốn công chăm sóc, vốn đầu tư ít vì lợn thả rông tự kiếm rau, cỏ ăn, đặc biệt thích hợp với địa hình miền núi”.

a
Lợn đen lai nuôi thả rông, vận động nhiều, ăn ngô, chuổi, cỏ,... thên thịt lợn chắc, hương vị đặc trưng.

Với lợi thế có hơn 17 ha đất đồi, năm 2010, gia đình anh Nguyễn Đức Hải khối 8, thị trấn Con Cuông đã cải tạo lại vườn đồi, đầu tư hàng chục triệu đồng mua lợn rừng về nuôi theo hướng chăn thả tự do. Nhận thấy chăn nuôi giống lợn này không khó, không tốn công chăm sóc, lợn phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh lại tận dụng được các phụ phẩm sẵn có như: lúa, ngô, khoai, sắn nên gia đình tiếp tục đầu tư mua giống, duy trì đàn nuôi 5 con lợn rừng nái và từ 50 con lợn thương phẩm/lứa. Đến thời điểm này, đây được xem là trang trại nuôi lợn rừng quy mô nhất của huyện Con Cuông.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Hải: “Gia đình làm nghề chăn nuôi lâu rồi, nhưng mấy năm trở lại đây nắm bắt nhu cầu thị trường, gia đình đã đầu tư chăn nuôi lợn rừng. Giống lợn này thả rông, vận động nhiều, không ăn cám tăng trọng nên hương vị thịt đặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Dịp Tết giá bán lợn cao gấp 3 -4 lần so với lợn thông thường, đầu ra thuận lợi. Mỗi năm thu nhập từ lợn rừng hàng trăm triệu đồng”.

a
Lợn thịt đen lại được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán.

Nghề nuôi lợn rừng ở Con Cuông phát triển từ những năm 2008, ban đầu chỉ có 2 đến 3 hộ ở Bồng khê, Châu Khê nuôi nhưng đến thời điểm này toàn huyện có trên 40 hộ nuôi lợn rừng quy mô từ 17 đến 70 con. Nhiều năm nay huyện Con Cuông đều có cơ chế chính sách hỗ trợ con giống, chuồng trại lồng ghép từ các nguồn vốn của các dự án cho những hộ ở các vùng khó khăn.

Ông Vi Văn Bính - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho biết thêm: “Mô hình chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân địa phương. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển thêm các mô hình như thế này, nhằm năng cao thu nhập cho người dân”.

a
Giống lợn này đặc biêtj thích hợp với địa hình miền núi.

Có thể nói nuôi lợn đen lai đang là nghề hấp dẫn, phù hợp với địa hình miền núi. Vì vậy, nếu biết phát huy lợi thế, tận dụng tiềm năng đất đai vườn rừng, người dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sản phẩm hàng hóa theo định hướng thị trường và gia tăng giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống; Đồng thời tạo nên thương hiệu thịt lợn đặc sản ở huyện miền núi Con Cuông./.

Bá Hậu – Minh Hạnh