Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn

11:52, 16/11/2017

Đi làm ăn xa để tích lũy vốn, kinh nghiệm rồi trở về quê hương đầu tư phát triển kinh tế, là con đường của rất nhiều thanh niên nông thôn lựa chọn hiện nay. Nhờ có bước đi đúng hướng nên nhiều mô hình đã cho thu nhập cao, ổn định.

 

Sở hữu diện tích đất rộng 5ha ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, ấp ủ làm kinh tế trang trại nhưng phải đến khi đi xuất khẩu lao động trở về nước, anh Cao Xuân Kiên mới có đủ vốn và kinh nghiệm để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Sau gần 4 năm miệt mài lao động vất vả, hiện anh Kiên có gần 30 con bò sinh sản, bò sữa và 4,5 ha đất chuyên trồng cỏ chăn nuôi, ngô và các loại cây ăn quả.

a
Mô hình kinh tế nuôi bò, trồng cỏ kết hợp với trồng cây ăn quả của anh Cao Xuân Kiên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Theo chia sẻ của anh Cao Xuân Kiên: “Sau thời gian đi xuất khẩu lao động tích vốn và kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thấy các sản phẩm của mình đều có đầu ra, mặt khác cỏ cũng có thể bán cho nhà máy nên bản thân đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò, trồng cỏ và cây ăn quả”.

Cỏ tươi ngoài phục vụ chăn nuôi bò của gia đình, anh
Cỏ tươi ngoài phục vụ chăn nuôi bò của gia đình, anh Kiên cung cấp cỏ cho các nhà máy, ổn định đầu ra sản phẩm.

Mong muốn ly hương để tìm kiếm cơ hội việc làm, đổi đời đã khiến cho rất nhiều thanh niên đi làm ăn xa. Sau khoảng thời gian tha phương cầu thực nơi đất khách quê người trở về quê hương, họ lại càng quyết tâm gắn bó với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đàn gà hơn 1.300 con thả đồi, 4 ha đất đồi được cải tạo để trồng cây ăn quả, làm ao, chuồng chăn nuôi là kết quả mà anh Đậu Bá Hiệp có được khi quyết định làm kinh tế ngay tại xã Thanh Nho, huyệnThanh Chương.

Mô hình kinh tế gà thả đồi của
Mô hình kinh tế gà thả đồi của anh Đậu Bá Hiệp ở xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương.

“Mình đi làm nhiều nơi, thấy lương bổng cũng ít ỏi nên quyết định về quê nuôi gà, phát triển thương hiệu gà đồi Thanh Chương” – Chia sẻ của anh Đậu Bá Hiệp ở xóm 2, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương.

Trước những khó khăn của thanh niên khi khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Trang ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương bày tỏ: “Các bạn thanh niên nông thôn hiện nay đang vướng mắc ở nguồn vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi, trồng. Mình có điều kiện tiếp cận với các công trình của viện rau hoa quả Trung ương nên mong muốn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con và thanh niên làm kinh tế nông nghiệp.”

Để hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, hiện nay các hợp tác xã nông nghiệp thanh niên, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế cũng đã được thành lập.

Các tổ chức cơ sở Đoàn cũng có những hỗ trợ tích cực cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế.
Các tổ chức cơ sở Đoàn hỗ trợ tích cực cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế.

Nói về cơ chế hỗ trợ cho thanh niên nông thôn xây dựng mô hình kinh tế, anh Trần Đình Thanh – Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương cho biết: “Ban quản trị Hợp tác xã cùng BTV Huyện đoàn sẽ có những hỗ trợ nhất định cho các đoàn viên thanh niên về kiến thức, kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra sản phẩm để các bạn yên tâm sản xuất”.

Mỗi thanh niên khi làm kinh tế nông nghiệp đều gặp phải những khó khăn chung như: thiếu vốn đầu tư, trăn trở về hướng đi (nuôi con gì, trồng cây gì, tìm kiếm đầu ra như thế nào?). Vì vậy, đoàn kết tập hợp thanh niên để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho các sản phẩm đang là giải pháp được các cấp bộ đoàn triển khai nhằm giúp thanh niên nông thôn phát triển kinh tế./.

Phương Thảo - Hữu Song - Duy Thanh