Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hệ luỵ từ việc phát triển cây cam ồ ạt

08:01, 28/12/2017

Mấy năm gần đây, nhiều địa phương phát triển mạnh cây cam, nâng diện tích cam của toàn tỉnh lên trên 5.000ha. Trồng tự phát, theo phong trào, thiếu kiến thức, nguồn giống trôi nổi đã khiến cho nhiều hộ trồng cam phải trả giá. 

Chặt thân! Đào gốc, trốc rễ! – Những việc nhiều hộ trồng cam ở Quỳ Hợp đang nghĩ đến và thậm chí đang thực hiện đối với vườn cam của mình. Sau 3 năm đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công sức, 1,2ha cam của gia đình ông Trương Văn Lợi ở xóm Minh Kính, xã Minh Hợp chưa có thu hoạch và nay phải chặt bỏ, bởi càng để lâu càng tốn thêm nhiều tiền thuốc bảo vệ thực vật, không mang lại lợi gì.

a
Nhiều vườn cam không thu hoạch được do chất lượng quả không đạt và sâu bệnh.

Theo chia sẻ của ông Trương Văn Lợi: “Gia đình đầu tư hơn 150 triệu để trồng 1,2ha cam nhưng nay phải đào bỏ hết. Gia đình cũng không biết nguyên nhân do thời tiết hay sâu bệnh khiến cây bị hỏng hàng loạt”.

a
Người dân phải phá bỏ chính công sức và tiền bạc của mình.

Không riêng gia đình ông Lợi, đây là tình trạng chung của nhiều hộ dân trồng cam, nhất là các hộ mới gia nhập nghề trồng cam từ vài ba năm trở lại đây. Cam không ra quả, hoặc có quả nhưng lại bán không ai mua vì chất lượng cam quá thấp. Thế nên nhiều hộ dân đành phải phá bỏ dù đã đầu tư cả trăm triệu đồng cho loại cây tỷ phú này.

Hộ trồng cam ông Trương Văn Dũng ở xóm Kính, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Vườn cam của gia đình thường xuyên bị vàng lá, dù đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả. Hiện tại gia đình đã quyết định phá bỏ toàn bộ vườn”.

a
Nhiều vườn cam bị thoái hoá sớm sau vài năm thu hoạch, quả không đạt chất lượng, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Không chỉ những diện tích cam trồng mới, những vườn cam cho thu hoạch năm thứ 5 - 6 cũng bắt đầu bị thoái hóa. Nguyên nhân là do nguồn giống không được kiểm soát, chọn lọc tốt nên chỉ mới thu hoạch 5 đến 6 năm đã phải thay thế. Cùng với đó, sâu bệnh gây hại, lây lan từ vườn này sang vườn khác cũng khiến cho cam bị nhiễm bệnh nhiều. Ngay sau khi phá vườn cam cũ, nhiều nông dân đã bắt tay cho việc trồng mới bằng cách đảo giống.

Như cách làm của ông Lê Đức Vinh ở xóm Minh Kính, xã Minh Hợp: “Sau đợt phá bỏ toàn bộ vườn, gia đình quyết định lấy giống cam xoàn ở miền Nam về trồng”.

Trao đổi về vấn đề này, TS Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả có múi cho biết: “Chúng ta phải tiêu huỷ toàn bộ cây bị bệnh, cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây ngắn ngày như lạc, đậu tương,... Khi các loại cây ngắn ngày bắt đầu ra hạt nghĩa là chất lượng đất đã được cải thiện”.

a
Việc phát triển cây cam ồ ạt, không có quy hoạch đang gây ra những hệ luỵ.

Việc phá bỏ cam bị bệnh, thoái hoá và sau đó tiếp tục trồng cam mà không có hình thức nào cải tạo đất vô hình chung người trồng cam lại đang đưa những cây cam sạch vào vùng bị bệnh và việc lây lan bệnh là tất yếu. Theo thống kê sơ bộ, có đến trên 50% diện tích cam đang bị bệnh, đặc biệt diện tích cam trồng mới tỷ lệ phát triển tốt chỉ đạt 3%. Trong khi đó, cam là cây trồng cần mức đầu tư lớn, có 70% hộ dân trồng cam phải vay ngân hàng để đầu tư cho loại cây trồng này, hộ vay ít cũng gần 100 triệu đồng. Vậy giải pháp nào để phát triển cây cam bền vững, có hiệu quả? Nội dung này sẽ được truyenhinhnghean.vn đề cập sâu hơn trong phóng sự tiếp theo.

Thuý Vinh