Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nông sản Nghệ An và những thách thức khi hiệp định CPTPP được ký kết

19:13, 18/03/2018

Với nền nông nghiệp sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi  sản xuất khép kín, khi Hiệp định CPTPP được ký kết với thuế xuất nhập khẩu bằng 0% và hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt đang đặt ra nhiều thách thức cho các mặt hàng nông sản Nghệ An. Vậy những giải pháp nào để nông sản Nghệ An chiếm lĩnh được thị trường và không bị thua trên sân nhà?

 

Cũng như nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn, sau khi nghe thông tin về những điều khoản được ký kết từ hiệp định CPTPP, anh Nguyễn Văn Thành ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành rất lo lắng. Hàng nghìn con lợn, chăn nuôi theo quy chuẩn Viet Gap nhưng từ sau Tết đến nay, giá lợn liên tục xuống thấp, thị trường bấp bênh khiến trang trại anh đang bị thua lỗ. Khi hiệp định CPTPP được ký kết, tiếp tục cạnh tranh về giá cả khi hội nhập chắc chắn đầu ra sản phẩm của trang trại sẽ trở nên khó khăn hơn. 

a
Hiệp định CPTPP được ký kết đặt ra thách thức về cạnh trạnh giá cả của đầu ra sản phẩm đang gây khó cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của Nghệ An.

Chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thành: "Hiệp định CPTPP được ký kết, các hộ chăn nuôi như chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng do biến động về giá cả cạnh tranh. Để phát huy hiệu quả trong chăn nuôi, thời gian sắp tới chúng tôi sẽ phải ứng dụng công nghệ, thay đổi con giống và phương thức nuôi để đáp ứng thị trường".

a
Các hộ chăn nuôi đều ý thức việc thay đổi phương thức chăn nuôi và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng gần 900.000 con, trong đó chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm khoảng 80%. Mặc dù nguồn cung ứng giống vật nuôi của tỉnh khá dồi dào nhưng vẫn còn khoảng 40% nhu cầu nguồn giống hiện nay phụ thuộc vào các hộ gia đình, các trang trại có xuất xứ từ lợn thương phẩm tự nuôi, quy trình sản xuất không đạt yêu cầu dẫn đến con giống kém chất lượng. Điều này hạn chế rất lớn đến năng suất, chất lượng tổng đàn cũng như an toàn dịch bệnh. 

Bà Vũ Thị Hồng - Hộ nuôi lợn ở xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc chia sẻ: "Thời gian qua giá cả bấp bênh, chất lượng lợn nuôi không đồng đều nên thu nhập của gia đình không ổn định".

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn - Hộ chăn nuôi gà ở xóm 1, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc cho biết: "Chăn nuôi nhỏ lẻ, công nghệ còn kém nên chất lượng sản phẩm không ổn định khiến giá thành đầu ra bị đẩy lên cao. Vì vậy muốn chăn nuôi tốt thì sắp tới phải đầu tư ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi".

a
Chăn nuôi Nghệ An vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, sản phẩm ngành hàng manh mún, chi phí đầu tư lớn dẫn đến giá thành đầu ra sản phẩm cao.

Cùng với chăn nuôi lợn, toàn tỉnh hiện có gần 700.000 con trâu, bò, và gần 22 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, chăn nuôi Nghệ An vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, sản phẩm ngành hàng manh mún, chưa tạo được chuỗi liên kết giữa người sản xuất, chế biến và người tiêu dùng, chi phí đầu tư lớn nên giá thành cao. Do vậy, ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu nội địa chứ chưa có ngành hàng mang tính cạnh tranh cao để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: "Trên cơ sở quy hoạch chi tiết của ngành nông nghiệp, củng cố, điều chỉnh lại quy hoạch Nông thôn mới, để ra phần diện tích từ 3,5 - 5ha ưu tiên phát triển chăn nuôi trang trại. Người chăn nuôi trước hết phải tuân thủ quy định về chăn nuôi. Việc chăn nuôi tập trung sẽ góp phần giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh".

Không chỉ các mặt hàng chăn nuôi mà một số sản phẩm chế biến của Nghệ An cũng sẽ gặp khó khăn khi hội nhập như chè, mía đường. Ngành mía đường của Nghệ An thời gian qua đang điêu đứng khi giá liên tục giảm, hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tấn. Quy trình sản xuất, cơ chế thu mua còn manh mún, thiếu đồng bộ nên năng suất thấp thua, trong khi  giá thành lại cao gấp đôi so với các nước.

Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam cho biết: "Để giảm chi phí vận chuyển, cần quy hoạch vùng nguyên liệu về gần nhà máy; đưa máy móc thiết bị dây chuyền vào quy trình sản xuẩt để tăng năng suất, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh".

a
Quy trình sản xuất khép kín góp phần giảm chi phí trong sản xuất. 

Nền Nông nghiệp Nghệ An hiện vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông hộ với quy mô nhỏ và phân tán. Công nghiệp chế biến chưa được đầu tư đúng mức. Khó khăn trong việc đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu; thiếu thông tin, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường trường. Năng suất, chất lượng, giá thành và vấn đề vệ sinh ATTP đang thực sự là những thách thức lớn đối với nông nghiệp Nghệ An.

Định hướng về phương thức sản xuất để tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Cần rà soát lại các sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức, nông dân cần nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm; cải thiện quy trình sản xuất theo hướng khép kín để giảm nhân công, giảm chi phí trong sản xuất".

Để nâng cao chất lượng nông sản và bảo đảm đầu ra ổn định, đã đến lúc các ngành liên quan, địa phương cần đẩy nhanh xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa sạch, tăng cường các chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi liên kết này được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp với sự tham gia tích cực của “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông. Có như vậy, nông sản Nghệ An mới trụ vững và có cơ hội mở rộng thêm thị phần trong xu thế hội nhập./.

Thu Vinh - Hữu Dũng