Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tam Quang đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng

08:10, 20/03/2018

Xã Tam Quang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn của huyện Tương Dương với 33.500 ha. Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường sống, đồng thời mang lại thu nhập cho người dân, thời gian qua, xã Tam Quang đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển thêm diện tích rừng trồng mới trên địa bàn. Qua đó, nâng cao độ che phủ rừng cũng như cải thiện môi trường sinh thái của địa phương.

 

Ở bản Bãi Xa, xã Tam Quang, ai cũng biết mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình bà Lô Thị Thuyết. Trước đây, kinh tế gia đình bà rất khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã. Năm 2007, gia đình bà Thuyết đã mạnh dạn nhận 10 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ. Trong đó, bà đầu tư trồng 6ha cây keo và xoan. Kết hợp với trồng rừng, bà còn trồng sắn, chăn nuôi thêm lợn, bò, mỗi năm trừ chi phí gia đình bà thu lãi gần 100 triệu đồng.

Từ khi gia đình tôi nhận đất rừng khoanh nuôi bảo vệ, để trồng rừng, gia đình tôi đã lấy ngắn nuôi dài, kết hợp trồng rừng với chăn nuôi bò, lợn. Nhờ đó, kinh tế gia đình đã được cải thiện, cuộc sống gia đình hiện nay đã khá giả hơn trước đây...Bà Thuyết chia sẻ.

Còn gia đình ông Vi Văn Thuyết ở cùng bản, vào khu vực đồi rừng này làm kinh tế từ năm 1992. Nhờ được tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã nhận 8ha đất đồi rừng để cải tạo, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, với 5 ha trồng keo, xoan, 3 ha khoanh nuôi, bảo vệ...  cộng thêm chăn nuôi đàn bò, dê, lợn 80-85 con, bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.

công tác trồng rừng được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhờ vậy diện tích rừng trồng tăng khá nhanh.
Công tác trồng rừng được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ xã Tam Quang nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhờ vậy diện tích rừng trồng tăng khá nhanh.

Trước đây gia đình tôi chỉ làm rẫy trồng lúa và chăn nuôi trâu bò, dê. Sau này nhà nước cấm đốt rừng làm rẫy nên chúng tôi bỏ không làm rẫy nữa mà nhận rừng để khoanh nuôi bảo vệ. Đồng thời nhận khoán đất rừng đầu tư trồng keo mét. Thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi cũng tương đối là cao, chi tiêu trong gia đình cũng nhờ từ trồng rừng mà ra cả- trò chuyện với chúng tôi, ông Thuyết cho biết.

Xã Tam Quang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn của huyện Tương Dương với 33.500 ha. Trong đó, rừng sản xuất gần 9500 ha, rừng đặc dụng hơn 24.000 ha và rừng phòng hộ gần 1500 ha.. Để làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc hơn 33.500 ha diện tích rừng sẵn có, chính quyền xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng và những lợi ích rừng mang lại. Đồng thời, triển khai tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, chi trả kịp thời quỹ dịch vụ môi trường rừng tại các bản.

Diện tích đất trống đồi trọc ở Tam Quang đã được phủ kín bằng những rừng keo, mét xanh tốt.
Diện tích đất trống đồi trọc ở Tam Quang đã được phủ kín bằng những rừng keo, mét xanh tốt.

Hàng năm, UBND đã nêu gương các điển hình tiên tiến trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCR và có động viên khen thưởng kịp thời. Nhờ vậy, người dân trong xã tích cực tham gia bảo vệ và trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Cùng với đó, chính quyền xã tổ chức ký cam kết về việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa, cháy rừng giữa các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các Ban quản lý thôn bản với UBND xã. Đặc biệt, công tác trồng rừng đã được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 87 về khai thác, sử dụng đất đồi để phát triển trồng rừng, đến nay diện tích rừng trồng mới của Tam Quang đã vượt 270ha so với chỉ tiêu được giao của cả nhiệm kỳ. Góp phần đưa độ che phủ của rừng ở Tam Quang đạt 90,93%.

Xã Tam Quang triển khai mô hình trồng rừng  từ năm 2007 và hiện nay có nhiều hộ gia đình giàu lên từ rừng. Chỉ tính riêng diện tích trồng rừng trong 2 năm gần đây chúng tôi đã trồng được hơn 840ha, ha chủ yếu là keo, xoan và mét, nhìn chung thu nhập từ rừng đối với người dân xã Tam Quang tương đối ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng phát triển trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phát triển những mô hình kinh tế hộ gia đình và tăng diện trồng mới rừng, liên kết lấy ngắn nuôi dài và phát triển về gia trại chăn nuôi lợn, dê, gà để hỗ trợ phát triển trồng rừng- bà Kha Thị Hiền - Phó chủ tịch UBND xã Tam Quang trao đổi.

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 87 về khai thác, sử dụng đất đồi để phát triển trồng rừng, đến nay diện tích rừng trồng của Tam Quang đã tăng thêm 840ha, vượt chỉ tiêu được giao của cả nhiệm kỳ
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 87 về khai thác, sử dụng đất đồi để phát triển trồng rừng,  diện tích rừng trồng mới của Tam Quang đã tăng thêm 840ha, vượt chỉ tiêu được giao của cả nhiệm kỳ

Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Quang số mô hình có thu nhập dao động từ 80-100 triệu đồng/năm có hơn 10 mô hình. Ngoài ra, còn có rất nhiều mô hình nhỏ lẻ mà sắp tới đây sẽ được công nhận là gia trại có khoảng 20 mô hình. Có thể nói kinh tế rừng đã khẳng định vai trò quan trọng, thực sự là sinh kế của người dân nơi đây, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Tam Quang từ 16% đầu nhiệm kỳ xuống còn 4,18%. Xác định lâm nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, Đảng bộ xã Tam Quang tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại, góp phần nâng cao đời sống, XĐGN, làm giàu ngay chính trên quê hương mình./.

Hiến Chương