Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: Cần cân nhắc và chọn thời điểm thích hợp

20:37, 04/03/2018

Trong kỳ điều hành đầu tiên của năm Mậu Tuất, giá xăng RON 95 lần đầu có trong văn bản điều hành và giảm 400 đồng/lít. Tuy nhiên, cùng với đó Bộ tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Hai câu hỏi đang được dư luận đặt ra, đó là: đánh thuế môi trường nhưng thực sự có cải tạo được cho môi trường hay không? Có đạt được mục đích là giảm tiêu dùng xăng dầu để bảo vệ môi trường hay không?

 

Theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Theo tính toán, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đối với xăng, dầu khoảng 55.591 tỷ đồng/năm. Mặc dù tin thông tin mới chỉ được Bộ Tài chính lập phương án dự thảo để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua, nhưng với người dân đã có rất nhiều ý kiến phản hồi về vấn đề này.

a
Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu được Bộ Tài chính đề xuất tăng lên mức kịch khung cho phép.

Quan điểm của anh Lê Văn Thắng – Người dân phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh: “Với cá nhân có thu nhập cao thì việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là  hoạt động kinh doanh vận tải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả”.

Được biết trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.000 xe kinh doanh vận tải, trong đó ô tô taxi khoảng 2.000 chiếc. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An cho rằng: “Việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung 4.000 đồng/lít là quá cao và chưa đúng thời điểm. Hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35% - 50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thì chắc chắn giá cước cũng sẽ tăng. Trong khi đó việc ô nhiễm do xăng dầu chưa phải là vấn đề nóng nhất hiện nay”.

a
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh vận tải, khi đó người tiêu dùng sẽ là những người phải chịu thiệt.

Theo tính toán, giá xăng dầu của Việt Nam hiện cao hơn Mỹ 4.000 đồng/lít và mỗi lít xăng đang cõng rất nhiều loại thuế phí. Nếu chỉ so sánh với các nước trong khu vực để thấy giá của Việt Nam thấp là không phù hợp. Trên thực tế, năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thu nhập của người dân cũng vậy, nếu chỉ tập trung đánh thuế vào mặt hàng như xăng dầu, một nhu cầu thiết yếu của người dân thì có nên hay không?

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: “Thắc mắc của người dân là có cơ sở. Vì sao nhiều mặt hàng cũng gây ô nhiễm môi trường lớn mà không bị đánh thuế môi trường như xăng. Vì vậy, cần minh bạch hơn trong vấn đề này”.

Theo các chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính đang chịu nhiều sức ép vì thuế nhập khẩu về 0% khiến mức hụt thu ngân sách cao nên phải tìm kiếm các nguồn thu. Một trong những nguồn thu dễ dàng và có thể thu được ngay là tăng thuế, phí xăng dầu. Gọi là thuế môi trường nhưng thực sự có chi cho môi trường không? Bộ Tài chính cần giải trình về điều này một cách rõ ràng, chính danh minh bạch và cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Theo đề xuất mới, Bộ Tài chính dự tính mỗi năm thu khoảng 55.591 tỷ đồng thuế môi trường, tuy nhiên phí chi cho bảo vệ môi trường chỉ là 12.290 tỷ.

Biểu đồ
Biểu đồ thống kê mức thu - chi thuế bảo vệ môi trường từ năm 2012  2016.

Cụ thể thổng kê, thuế bảo vệ môi trường tăng hơn 4 lần trong 5 năm qua. Như năm 2012, số thu từ thuế môi trường 11.160 tỷ đồng, tăng lên mức 44.323 tỷ đồng năm 2016 và khoảng 44.825 tỷ năm 2017. Theo đề xuất mới, từ 1/7, Bộ Tài chính dự tính mỗi năm thu khoảng 55.591 tỷ đồng thuế môi trường, tăng gần 14.900 tỷ đồng. Tuy nhiên mức chi từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ sau 5 năm, tương đương 1% ngân sách.

Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ thêm: “Xăng, dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày, có tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp. Cho nên, đây là vấn đề nhạy cảm. Để tạo sự đồng thuận, Bộ Tài chính phải làm rõ mục đích, yêu cầu của việc tăng thuế; đánh giá được sự tác động khi điều chỉnh mức thuế đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội”.

Được biết thuế nhập khẩu giảm là nhờ cam kết, trao đổi có đi có lại trong hội nhập. Nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép. Lý do: doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập tràn vào nhiều, trong khi tiếp tục phải tăng - chi cho thuế nội địa, doanh nghiệp sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Quan điểm của PGS, TS Bùi Văn Dũng - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp sáng tạo Đại học Vinh: “Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu là cần thiết nhưng phải lựa chọn thời điểm phù hợp và có lộ trình. Hiện tại, người dân còn đang e ngại chưa sử dụng nhiều xăng E5, vẫn ưa chuộng xăng RON truyền thống mà đẩy thuế bảo vệ xăng dầu lên sẽ khiến người dân không đồng tình. Bên cạnh đó, việc tăng thuế sẽ tác động trực tiếp đến kinh doanh vận tải, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp”.

xang 3.jpg
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu là cần thiết nhưng cần lựa chọn thời điểm phù hợp và có lộ trình.

Có thể thấy, điều đáng quan tâm hiện nay chính là cần làm rõ thuế bảo vệ môi trường dùng để làm gì? Nếu mục đích chỉ đơn thuần là giúp tăng ngân sách thì điều này không hợp lý./.

Bùi Thọ - Hữu Song