Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

13:20, 16/04/2018

Nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu qủa hệ thống hạ tầng giao thông trong phát triển dịch vụ Logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao hàng loạt nhiệm vụ cho các bộ, ngành, nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải, trong đó có việc xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

 

Sáng nay (16/4), dưới sự chủ trì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu qủa hệ thống hạ tầng giao thông.

Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa chủ trì.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu qủa hệ thống hạ tầng giao thông, là một trong 15 hội nghị toàn quốc quan trọng được Chính phủ tổ chức trong năm nay.

Trong khi nền kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh thì chi phí Logistics của Việt Nam còn cao, thậm chí là rất cao, trở thành điểm nghẽn của nền kinh tế.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chỉ số hiệu quả dịch vụ Logistics của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khối Asean. Chi phí Logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP. Vì vậy, Logistics được xem là vấn đề mang tính chiến lược đối với nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu cải thiện được năng lực Logistics sẽ giảm được chi phí hàng hóa, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các hạn chế, thách thức của ngành Logistic Việt Nam được đại biểu các ngành, hiệp hội và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chỉ ra, đó là: kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động Logistics chưa rõ ràng, chồng chéo và chưa nhất quán. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn nhỏ lẻ; doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị Logistics và chuỗi cung ứng. Hiện nay, chi phí vận tải tại Việt Nam chiếm 59 - 60% trong tổng chi phí Logistic. Vì vậy, việc giảm chi phí vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí Logistic.

Một số đại biểu cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xem đây là cách hiệu quả nhất và không mất tiền để khai thác tối ưu đối với kết cấu hạ tầng cũng như thái độ phục vụ của người thực thi công vụ. Điều này sẽ góp phần giảm các chi phí mềm hiện chiếm 20 - 30% tổng chi phí vận tải; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm soát đặc biệt; Phát triển hạ tầng, đảm bảo kết nối đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với được bộ, đường sắt và hoàn thiện dịch vụ hỗ trợ các cảng biển; Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đưa ra 12 giải pháp mang tính tổng thể và các giải pháp riêng đối với từng lĩnh vực vận tải, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và đường hàng không.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, để thực hiện các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu qủa hệ thống hạ tầng giao thông trong phát triển dịch vụ Logistics, các Bộ, ngành TW và các địa phương phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo Quyết định 200. Đó là tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ Logistics. Trên cơ sở các quy hoạch sẽ được xây dựng, Việt Nam phải phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với các nước trong khu vực. Chính phủ cũng sẽ ưu tiên ngân sách để đầu tư cho các dự án nhằm phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ Logistics.

Thủ tướng cũng cho biết, quan điểm của Nhà nước là sẽ hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Logistics phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực vận hành để giảm giá thành, chi phí dịch vụ Logistics.

Đồng tình với ý kiến của Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Phải giải quyết những vấn đề vô lý, vô trách nhiệm và vô thời hạn do các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, làm mất thời gian, chi phí không đáng có cho doanh nghiệp. Đây là những vấn đề có thể làm ngay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các Bộ, ngành TW và các địa phương, doanh nghiệp cần phải có quyết tâm chính trị cao để hướng tới mục tiêu phát triển Logistics của Việt Nam ngang tầm với thế giới.

Được biết, sau hội nghị này, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ ban hành quyết định cắt giảm, bãi bỏ 372 thủ tục hành chính, chiếm 61,15% thủ tục hành chính hiện có của Bộ./.

Thái Dương - Hữu Song