Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cơ hội, thách thức để phát triển công nghiệp Nghệ An trong bối cảnh mới

11:34, 17/05/2018

Để công nghiệp Nghệ An phát triển đúng hướng, nhanh hơn, mạnh hơn, sáng nay (17/5), UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học công nghiệp Nghệ An đến năm 2030.

Dự hội thảo có: PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; các chuyên gia kinh tế, công nghiệp từ các Bộ, ngành; đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trên địa bàn.

Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Thời gian qua, Nghệ An đạt nhiều chuyển biến trong sản xuất công nghiệp; Đã có một số sản phẩm chủ lực làm xoay chuyển cục diện, tạo diện mạo công nghiệp mới của tỉnh. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

a
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ quan điểm tại hội thảo.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra 3 hạn chế lớn của tỉnh. đó là: chưa có công nghiệp công nghệ cao; chưa có lực lượng doanh nghiệp chủ lực nội địa để phát triển công nghiệp và thu nhập của người lao động công nghiệp của Nghệ An quá thấp. Với mức lương công nhân bình quân hiện nay chỉ đạt 3,4 triệu đồng/tháng, phản ánh trình độ nền công nghiệp chưa có tích lũy. Do đó, tỉnh cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển công nghiệp của mình, muốn thay đổi phải có khát vọng, có cách làm mới, tầm nhìn mới.

“Nghệ An được chọn thử nghiệm 1 lĩnh vực công nghệ cao như 1 gợi ý phát triển công nghiệp của mình. Mô hình công nghệ cao giúp con người khắc phục những khó khăn về điều kiện tự nhiên” - PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ thêm.

Đã có nhiều ý kiến tâm huyết gợi ý, định hướng cho Nghệ An  phát triển công nghiệp. 10 tham luận của các chuyên gia kinh tế, công nghiệp tại hội thảo đã, đánh giá đúng thực trạng bức tranh công nghiệp Nghệ An hiện nay, nhìn nhận rõ tiềm năng và những cơ hội, thách thức để phát triển công nghiệp trong bối cảnh mới, đặc biệt là tác động của hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo cũng đã luận chứng và đề xuất lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên để phát triển từ nay đến năm 2030 như: công nghiệp cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao; định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; vật liệu mới; điện và năng lượng tái tạo...

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Nói về phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông thôn đưa ra những gợi ý rất thiết thực: tỉnh cần quan tâm thị trường đầu ra cho nông sản, quan tâm không chỉ là sức mua mà còn cả rủi ro; quan tâm đúng mức vấn đề mặt bằng sạch cho nhà đầu tư ngay trong vùng nguyên liệu và có chế độ ưu đãi như trong các khu công nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông thôn nhận định: “Theo tôi tỉnh Nghệ An và các nhà đâu tư đã rà soát kỹ thị trường để quay hoạch phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng khu công nghiệp. Sau đó là tạo điều kiện: đất đai, tín dụng, hạ tầng… để nhà đầu tư vào trực tiếp làm việc với nông dân, giúp xây dựng các tổ nhóm nông dân tạo thành chuỗi sản xuất”.

Nói về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nghệ An có nhiều bất lợi để phát triển loại hình doanh nghiệp này. Ngoài một vài doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện thoại, bao bì... còn lại các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, ngành sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đều còn rất yếu. Lấy ví dụ: Tuy tỉnh có nhiều dự án dệt may nhưng từ cái kim, cúc, chỉ, khuy bấm, dây khóa, kéo kim loại… đều phải nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có dư địa chính sách để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp này trên địa bàn.

Tiến sỹ Lê Xuân Sang - Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Tỉnh đã kiên trì, bền bỉ mời các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn về hoạt động trên địa bàn để tạo ra đầu tàu thu hút các doanh nghiệp đa ngành nghề để tạo liên kết cùng phát triển tốt hơn”.

Cùng với việc phân bố không gian công nghiệp hợp lý để khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, ý kiến các chuyên gia cũng đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng về thu hút đầu tư, về xây dựng hạ tầng công nghiệp và hệ thống chính sách phát triển để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra có hiệu quả nhưng mang tính bền vững.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại hội thảo.

Sau khi nghe ý kiến của các học giả, chuyên gia, phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Nghệ An luôn xác định công nghiệp là một trong những ngành trọng điểm tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Nghệ An trân trọng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, từng bước tìm lời giải cho bài toán phát triển công nghiệp.

Quan điểm chỉ đạo phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ phải đảm bảo vừa khai thác tiềm năng thế mạnh để nâng cao sức cạnh tranh, vừa đón đầu xu thế hội nhập; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với các vấn đề an sinh xã hội; coi trọng chất lượng tăng trưởng, tính hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững.

Xuân Hướng – Cảnh Toàn