Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Làng bánh đa sắn Anh Sơn cháy hàng dịp giáp Tết

19:49, 01/01/2019
Về xã Hùng Sơn huyện Anh Sơn dịp này sẽ được chứng kiến không khí lao động tất bật, nhộn nhịp của những người dân làm nghề bánh đa sắn. Từ 3 giờ sáng, các lò tráng bánh bắt đầu đỏ lửa, người dân làm nghề cả ngày không có thời gian nghỉ, nhất là vào dịp cận Tết này để đủ hàng cung cấp cho thương lái.

Chúng tôi ghé thăm gia đình Chị Trần Thị Thanh Thúy thôn 9 xã Hùng Sơn, một trong những gia đình làm bánh đa sắn lớn ở đây.  Chị Thúy chia sẻ: Những năm gần đây người tiêu dùng rất thích ăn các sản phẩm dân dã, do chính tay người dân làm ra, món bánh đa hai mặt phủ hạt vừng đen hoà quện với bột sắn bùi bùi ở đây đã làm nên một món ăn nhiều người ưa thích,  chính vì vậy sản phẩm bánh đa sắn ở đây bán rất chạy. Nhất là vào thời điểm cận Tết này luôn cháy hàng, không có để bán.

Về xã Hùng Sơn huyện Anh Sơn dịp này sẽ được chứng kiến không khí lao động tất bật của những người dân làm nghề bánh đa sắn
Về xã Hùng Sơn huyện Anh Sơn dịp này sẽ được chứng kiến không khí lao động tất bật của những người dân làm nghề bánh đa sắn

Người dân Hùng Sơn làm bánh đa sắn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.  Vào những ngày này, gia đình chị Thúy phải bắt đầu công việc từ 3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu, sau đó xay bột và tráng bánh để cho ra những mẻ bánh chất lượng, và cứ thế hoạt động hết công suất từ sáng sớm đến tận 10h đêm. Với gia đình chị Thúy, vào thời điểm này trong năm là thu nhập chính của gia đình. Mỗi ngày, gia đình chị tráng được 500- 600 cái nhưng vẫn không đủ bán, với giá nhập 1.400 đồng/ cái, sau khi trừ chi phí mỗi ngày cho gia đình chị thu nhập xấy xỷ 500 ngàn đồng.

Vào những ngày này, gia đình chị Trần Thị Thanh Thúy thôn 9 xã Hùng Sơn phải bắt đầu công việc từ 3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu.
Vào những ngày này, gia đình chị Trần Thị Thanh Thúy thôn 9 xã Hùng Sơn phải bắt đầu công việc từ 3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu.

Về làng bánh đa sắn Hùng Sơn những ngày này, đâu đâu cũng thấy bà con tất bật, người tráng bánh, người phơi bánh rồi đóng gói bánh. Bất cứ thời điểm nào cũng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật, phơi, trở và thu bánh. Chị Đinh Thị Hoa, thôn 9 xã Hùng Sơn chia sẻ: Nghề làm bánh đa tuy không nặng nhọc nhưng cũng phải thức khuya dậy sớm, từ 3h sáng người làng đã bắt đầu tráng bánh, ăn trưa lúc 2- 3 giờ chiều là chuyện thường tình. Mỗi ngày, một mình chị cũng làm được 300 cái, nhiều thì 400- 500 cái. Sau khi trừ chi phí mỗi ngày cũng cho chị thu nhập từ 300- 400 ngàn đồng.

Nếu như món bánh đa thường thấy được làm từ nguyên liệu bột gạo thì bánh đa của bà con Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon người dân tự trồng
Nếu như món bánh đa thường thấy được làm từ nguyên liệu bột gạo thì bánh đa của bà con Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon người dân tự trồng

Theo chị Hoa để làm nên những chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nếu như món bánh đa thường thấy được làm từ nguyên liệu bột gạo thì bánh đa của bà con Hùng Sơn được làm từ sắn mì loại ngon người dân tự trồng, được chọn lựa kỹ những củ ít xơ, mập, căng tròn rồi xay nhuyễn. Hỗn hợp bột sắn sau khi xay cùng với nước tạo thành bột mịn, trắng muốt, sau đó thêm ít vừng đen, gia vị, trộn lẫn rồi nhào đều. Gia vị được gia giảm tùy vào bí quyết của mỗi nhà nghề.

Để làm nên những chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo
Để làm nên những chiếc bánh đa sắn đậm đà hương vị quê hương, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo

Bánh đa sắn chỉ được làm duy nhất ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn. Ban đầu chỉ là một nghề phụ của người dân, dần dần được chuyên nghiệp hoá trong nhiều gia đình. Đây là một sản phẩm chứa đựng sự công phu, khéo léo và tinh tế của người dân vùng tả ngạn sông Lam này. Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 50 hộ dân  làm nghề bánh đa sắn, tập trung chủ yếu ở thôn 6, 8, 9, nhiều nhất là ở xóm 9 có hơn 30 hộ theo nghề.

Hiện nay ở xã Hùng Sơn có hơn 50 hộ dân  làm nghề bánh đa sắn, tập trung chủ yếu ở thôn 6, 8, 9.

Bánh đa sắn Hùng Sơn hiện nay không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn Anh Sơn mà còn ở khắp nơi trong tỉnh như: Con Cuông, Đô Lương, Nam Đàn. Bánh đa sắn được nhập với giá 1.300 - 1.500 đồng/cái, ngoài bán bánh sống, nhiều hộ dân còn nướng bánh chín để bán với giá 2.500 đồng/cái. Nhờ món ăn dân dã này mà váo mùa vụ có hộ thu nhập mỗi tháng từ 10- 12 triệu đồng. Tuy không được như dân gian nói “một vốn bốn lời” nhưng những năm gần đây nghề bánh đa sắn đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở đây nhất là vào dịp Tết.

 Thái Hiền