Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An: Khẩn trương khoanh vùng, khống chế dịch tả lợn Châu Phi

16:58, 14/03/2019
Ngay sau khi ổ dịch tả lợn đầu tiên trên địa bàn Nghệ An được phát hiện tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, công tác phòng chống dịch càng trở nên cấp bạch và cẩn trọng hơn. Nhiệm vụ trong tâm hiện nay của ngành nông nghiệp và địa phương, người chăn nuôi đó là bao vây, không để dịch bệnh lây lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra.
Tất cả các ngã đường vào xóm 7, xã Quỳnh Mỹ đều có điểm chốt chặn.

 Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại nhà ông Hoàng Văn Lan,  xóm 7 vào ngày 12/3, tất cả các ngã đường vào xóm đều có điểm chốt chặn của lực lượng Công an, Quân sự xã làm nhiệm vụ khoanh vùng, chống dịch lây lan.

Lực lượng Công an, Quân sự xã Quỳnh Mỹ tập trung khoanh vùng, chống dịch lây lan.

“ Chúng tôi bố trí Công an và Quân sự mỗi chốt 4 người để hạn chế người dân đi vào vùng dịch. Thứ hai, rắc vôi bột, phun hóa chất với mục tiêu cao nhất là hạn chế việc đưa mầm mống dịch ra khỏi địa bàn" - ông Lê Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ cho biết.

Nguy cơ lây lan dịch hiện nay là rất lớn, nếu không khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống.

Hai ngày nay, chị Trần Thị Duyên ở xóm 1, xã Quỳnh Mỹ như ngồi trên đống lửa. Bởi bao nhiêu công sức, vốn liếng cả gia đình tích góp đều nằm trong đàn lợn 20 con gần đến ngày xuất chuồng. Nhưng chuồng trại chăn nuôi nhà chị giờ chỉ cách nơi phát hiện ra ổ dịch tả lợn Châu Phi tại xóm 7 có 3km. Giải pháp ứng phó duy nhất để bảo vệ đàn lợn trong đợt dịch tả của gia đình chị hiện nay phun khử trùng, tiêu độc và vệ sinh chuồng trại.

“ Để phòng chống dịch bệnh, gia đình đã triển khai các giải pháp như quăng vôi, bơm thuốc khử trùng, khóa cổng không cho ai ra vào. Tôi rất lo, tại vì tài sản của gia đình đều nhìn vào đây hết" - chị Duyên lo lắng nói.

Người dân rắc vôi bột trong chuồng trại chăn nuôi.

Chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị, tỷ lệ lợn chết lên đến 100% nếu mắc dịch tả lợn Châu Phi, đây là khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới OIE và Cục Thú y, Bộ NN-PTNT. Vì vậy, việc phòng, chống dịch lây lan trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn và cả người dân sinh sống trên địa bàn.

Các hộ chăn nuôi tiến hành phun thuốc khử trùng, rắc vôi quanh khu vực chăn nuôi.

“ Theo chỉ đạo của UBND huyện, biên pháp cấp bách nhất đối với 33 xã, thị trấn là mỗi xã phải lập chốt chặn. Trong mỗi chốt chặn đó phải bố trí người và phải có ô tự động khử trùng" - ông Trần Minh Quân, Q. Trưởng trạm Chăn nuôi Thú ý Quỳnh Lưu trao đổi.

Chốt kiểm dịch tả lợn Châu Phi tại xã Quỳnh Mỹ.

Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng lây lan bằng nhiều con đường như nước, không khí, qua các vật chủ khác, nhưng không lây sang người... Do đó, việc chủ động triển khai phương án chống dịch, dập dịch tả lợn Châu Phi cần được địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh. Đó là không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết và không vứt lợn ốm, lợn chết ra ngoài môi trường...
 Nguyễn Nam - Cảnh Hồng