Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cải cách thể chế thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

20:24, 14/05/2017

Với quan điểm xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải là đối tượng quản lý đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển bền vững thì việc thúc đẩy cải cách thể chế, xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với các cấp ngành, chính quyền địa phương.

Đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú cách đây hơn 10 năm, Công ty Cổ phần Thương mại Thành Trung vẫn gặp khó khăn do những bất cập xung quanh giá thuê đất đã và đang triển khai. Cùng một vị trí nhưng giá thuê đất chênh lệch từ 11.000 – 38.000/ m2 - nghĩa là chênh lệch phải trả của một doanh nghiệp có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Thêm vào đó, giá thuê đất tăng theo lộ trình cũng bị đội cao gấp rất nhiều lần so với quy định; vấn đề điện, nước cho doanh nghiệp hoạt động cũng phải mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục.

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Thế Kinh - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Thành Trung, Khu công nghiệp Nghi Phú mong muốn: “Mong rằng lãnh đạo UBND tỉnh cùng các Sở, ban ngành liên quan cùng vào cuộc để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động được tốt.”

a
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó trong các thủ tục hành chính.

Những tồn tại nổi cộm, phổ biến, gây khó khăn và giảm năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, đó là tính minh bạch chưa cao; Thủ tục hành chính rườm rà chồng chéo; Cán bộ thực thi, nhất là cấp cơ sở, năng lực, thái độ làm việc còn nhiều hạn chế.

Chia sẻ của ông Trương Văn Hiền – Tổng Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An: “Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước nên thực hiện cổ phần hóa để doanh nghiệp có đủ điều kiện được tham gia đầu tư.”

a
Bất cập trong cải cách hành chính làm mất cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay đã có trên 23.900 số doanh nghiệp trên địa bàn cả nước giải thể, tạm ngừng hoạt động. Riêng tại Nghệ An, trong số 16.300 doanh nghiệp thì chỉ có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động. Điều này cho thấy, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, trong đó có sự hạn chế từ sự hỗ trợ về chính sách của địa phương.

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh mong muốn: “Một số thủ tục hành chính không cần thiết đối với doanh nghiệp cần được cắt giảm. Bên cạnh đó cần có những phân định rõ ràng trong trách nhiệm xử lý công việc của các cấp chính quyền. Và rất cần cho doanh nghiệp được đóng góp ý kiến cho sự hài lòng trong cách xử lý công việc đối với cán bộ công chức.”

Nói về những giải pháp khắc phục những vướng mắc này, ông Phạm Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Thái Hòa cho biết: “Chúng tôi cố gắng rút ngắn thời gian nhất có thể để giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp địa phương. Khi lên cấp tỉnh, chúng tôi đồng hành cùng các nhà đầu tư lựa chọn những cán bộ thông thạo việc, lên kế hoạch và sắp xếp tiến độ xử lý công việc, đảm bảo đúng quy định, thuận tiện và nhanh nhất. ”

Để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ mới, các ngành và chính quyền địa phương cần tiếp tục quánh triệt sâu rộng Nghị quyết 35 của Chính Phủ. Trong đó, giải pháp cần thực hiện đầu tiên đó là cải cách hành chính. Bên cạnh đó Chính sách hỗ trợ về vốn, thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện quyết liệt hơn. Đặc biệt để cùng doanh nghiệp phát triển thì vai trò, năng lực, thái độ làm việc của cán bộ công chức - nhất là ở cấp cơ sở cần phải tiếp tục được nâng cao.

(Thu Vinh)