Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Con Cuông: Trồng Thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP phục vụ du lịch

10:16, 07/11/2019
Lần đầu tiên, huyện Con Cuông mạnh dạn đưa giống cây thanh long ruột đỏ vào trồng tại địa phương. Với sự tham gia của 7 hộ dân, sau hơn một năm, thanh long đã cho thu hoạch với chất lượng quả thơm ngon ngọt, mang lại giá trị kinh tế cao.

Vùng đất đồi được gia đình anh Lương Văn Bình ở thôn Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông khai hoang để trồng trọt. Trước đây do không có kinh nghiệm trong việc chọn giống cây trồng phù hợp với chất đất nên các loại hoa màu ngô đậu lạc, sắn cũng như keo và mét cho năng suất thấp. Nhận thấy Thanh long ruột đỏ - loại cây ăn quả của miền Nam sau khi trồng thử thích nghi, phát triển tốt và cho quả ngọt, gia đình anh Binh trở thành 1 trong 7 hộ được Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông và xã Bồng Khê chọn thử nghiệm mô hình. Các hộ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, giống, trụ , đúc, các loại phân bón, hệ thống bơm tưới... Sau một năm, cây đã cho quả ngọt.

Thanh long ruột đỏ phát triển tốt trên đất Con Cuông.

Trước đó, ở các xã Môn Sơn, Châu Khê, Bồng Khê, huyện Con Cuông đã có nhiều gia đình trồng thanh long ruột trắng, ruột đỏ tự phát nhưng chọn giống cây chất lượng thấp, nên hiệu quả kinh tế không cao. Đến thời điểm này, có thể khẳng định thanh long ruột đỏ là loại cây dễ sống, ít sâu bệnh cho hiệu quả ngay sau một năm trồng và chăm sóc. Vì vậy, qua mô hình trồng thử nghiệm thành công huyện Con Cuông định hướng người dân tiếp tục nhân rộng mô hình theo hướng VietGAP để phục vụ cho du lịch.

Ttheo hướng VietGAP để phục vụ cho du lịch.

Qua hoạch toán kinh tế từ mô hình thử nghiệm của 7 hộ với 1.311 trụ cây trên diện tích 1,2 ha, tổng kinh phí đầu tư trên 374 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng. Sau 1 năm cây bắt đầu cho quả với mức trung bình từ 6-8 lứa quả/ năm, 2,5kg quả / trụ/ lứa, thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến hết tháng 10 Âm lịch, mỗi lứa cách nhau khoảng 20 ngày. Giá bán giao động từ 20.000 – 25.000/kg, tổng thu khoảng trên 650 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng trên 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tuổi thọ của cây thanh long đỏ ít nhất từ 10 đến 15 năm, không tốn công chăm sóc nên sẽ mang lại lợi nhuận khá cao cho người nông dân.

Người dân nuôi gà trên đất trồng Thanh long ruột đỏ giúp trừ sâu bệnh.

Ông Trần Thanh Bình - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết: Bước đầu làm thử cho đến nay mô hình cho thấy có tiến triển hiệu quả kinh tế cao, nên huyện khuyến khích tiếp tục nhân rộng mô hình để hướng tới các sản phẩm sạch theo hướng VietGAP.

Thị trường tiêu thụ ổn định, trái cây thanh long ruột đỏ đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân huyện miền núi Con Cuông. Ngoài các loại hoa quả của địa phương như cam, táo, ổi , bưởi, hồng xiêm, mít thì người dân đang kỳ vọng cây thanh long ruột đỏ sẽ  là nguồn cung cấp hoa quả sạch cho khách du lịch khi đến với Con Cuông.

Tường Vi

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm