Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Vượt lên nỗi đau da cam

15:29, 06/08/2017

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại thì vẫn đang âm ỉ và gây nhức nhối trong cuộc sống của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dionxin. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Theo chân các thành viên Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Nghĩa Đàn, chúng tôi ghé thăm gia đình bác Nguyễn Xuân Mía ở xóm Khe Bai, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Gia đình của bác Mía có 3 người con, cả 3 người đều là nạn nhân chất độc da cam, không có khả năng lao động, kể cả việc ăn uống sinh hoạt thường ngày cũng đều nhờ vào bàn tay của hai cha mẹ. Nhìn các con bệnh tật, ngơ ngác, vợ chồng ông chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Năm nay hai vợ chồng bác Mía đã trên 70 tuổi. Khó khăn triền miên mấy chục năm qua đeo đẳng trên đôi vai già yếu, nhưng ông Mía chưa một lần kêu ca, bởi ông biết đến hiện tại, chỉ có ông là điểm tựa duy nhất để vợ và 3 người con tật nguyền bấu víu.

a
Ông Nguyễn Xuân Mía nỗ lực từng ngày để vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ với tinh thần của một người lính, ông Nguyễn Xuân Mía nói: “Sau khi tôi được xuất ngũ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng với tinh thần người lính bội đội cụ Hồ, tôi tự nói với bản thân phải cố gắng, không ngại gian khổ để vượt lên khó khăn trong cuộc sống sao cho vợ con phấn khởi. Tuy có vất vả nhưng không có nghĩa là chúng tôi ỷ lại vào sự trợ cấp của nhà nước.”

Trân quý tình đồng chí, đồng đội, thương cảnh vợ già, con tật, bản thân ông cũng là một nạn nhân chất độc da cam, hàng ngày ông luôn đối mặt với ốm đau bệnh tật. Thế nhưng là người chiến sĩ bước ra từ cửa tử nên ông đã cố gắng rất nhiều, vừa chăm lo ruộng vườn, vừa phát triển chăn nuôi, vừa chăm sóc gia đình, con cái. Không những vậy, ông còn tham gia vào việc xóm, việc làng nhiệt tình năng động khiến cho ai ai cũng nể phục.

Ông Ngô Hưng Toàn - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam xã Nghĩa Hộị cho biết: "Đối với gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Mía tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Hội phụ lão xóm Khe Bai. Đối với đồng đội khi nào cũng nhiệt tình niềm nở, đối với làng xóm thương yêu đoàn kết, đối với phong trào hội thì mạnh nhất xã, chúng tôi vừa thương cũng vừa cảm phục.”

Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Sự ở xóm Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc có 3 thế hệ bị nhiễm chất độc hóa học dioxin cùng sinh sống. Với suy nghĩ, cũng là nạn nhân của chất độc hóa học Dioxin nhưng may mắn hơn rất nhiều người khác là còn lý trí, còn chân tay để lao động, nên ông Đặng Văn Sự đã động viên vợ cùng lao động sản xuất để vươn thoát cảnh đói nghèo đeo bám, nuôi dạy con cái. Với vóc dáng và sức khỏe của vợ chồng ông Sự ít ai có thể nghĩ vợ chồng ông có thể cáng đáng hết công việc đồng áng với 5 sào đất lúa, hơn 1ha sắn. Ngoài ra, những hôm nhàn rỗi, ai thuê mướn việc gì vợ chồng ông cũng không từ chối, miễn là lao động chính đáng để có thêm thu nhập cho gia đình. Tính ra, mỗi năm thu nhập từ các nguồn gia đình ông cũng có khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Ông Đặng Văn Sự
Ông Đặng Văn Sự nuôi dê sinh sản.

Ông Đặng Văn Sự chia sẻ: "Từ khi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng tôi thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn với con cái, gia đình và xã hội. Các con của mình sinh ra đã chịu thiệt thòi thì càng phải phấn đấu để bù đắp lại những mất mát đó, vươn lên bằng chính sức lao động của mình, không làm gánh nặng cho xã hội".

Được chính quyền địa phương, bạn bè, đồng chí, đồng đội giúp đỡ, gia đình ông Sự đã vượt lên hoàn cảnh, không đầu hàng số phận. Sau nhiều năm cố gắng chắt chiu, lại được Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà ở, vừa qua, gia đình ông Sự đã tổ chức làm lễ khánh thành xây dựng ngôi nhà ngói 3 gian, trị giá khoảng 120 triệu đồng.

Người dân, đồng đội chia vui cùng gia đình ông Đăng Văn Sự trong
Người dân, đồng đội chia vui cùng gia đình ông Đăng Văn Sự trong lễ khánh thành ngôi nhà mới.

Hiện nay, huyện Nghĩa Đàn hiện có có 304 trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 126 trường hợp nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, còn lại là con em nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba.

Ông Hồ Xuân Lương – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Những năm qua, nhiều hội viên đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, những đau đớn thể chất, tinh thần, phấn đấu vươn lên bằng chính nghị lực của bản thân. Họ luôn tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường, cho dù chất độc da cam vẫn đang ngày đêm dày vò lên tâm can, thớ thịt của họ. Những năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực kêu gọi, ủng hộ các gia đình nhiễm chất độc da cam/dioxin để họ có thêm nghị lực. Tuy nhiên vẫn rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng, cùng hiến kế sinh nhai, giúp những nạn nhân da cam có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.

Chiến tranh nghiệt ngã! Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc hóa học xuống Việt Nam, hậu quả chất cực độc này vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Còn biết bao gia đình giống như hai vợ chồng bác Nguyễn Xuân Mía, Đặng Văn Sự hơn 70 tuổi ,mái tóc đã bạc, lưng đã còng nhưng hàng ngày vẫn cõng trên mình việc chăm sóc gia đình, con cái. Mặc dù vậy, họ vẫn cố gắng vươn lên trở thành tấm gương sáng để những người đồng đội noi theo, vượt lên số phận.

Minh Thái - Hoàng Hằng - Đài TTTH Nghĩa Đàn