Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chiến dịch Hồ Chí Minh trong ký ức của những cựu binh Anh Sơn

12:45, 25/04/2018

Từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử và may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc đất nước thống nhất, "Non sông thu về một mối", trong những ngày cuối tháng Tư này, ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 như vẫn còn tươi nguyên trong mỗi cựu chiến binh trên quê hương Anh Sơn.

 

Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh Trần Thanh Vân ở khối 1B, thị trấn Anh Sơn lại bồi hồi xúc động.

Theo chia sẻ của ông Vân, khi vừa tròn 18 tuổi, ông hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào ngày 1/5/1972. Đến tháng 10 năm 1972, tham gia chiến đấu tại đoàn pháo binh Bến Hải, lữ đoàn 164, ông được phân công làm công tác phục vụ chiến đấu.

Ông Trần Thanh Vân kể lại trận đánh của đơn vị ông năm xưa.
Ông Trần Thanh Vân kể lại trận đánh của đơn vị ông năm xưa.

Ông Trần Thanh Vân xúc động kể rành rọt từng chi tiết những trận đánh mà ông cùng đồng đội thuộc lữ đoàn 164 triển khai.

Ngày 5/4/1975 lữ đoàn nhận được lệnh thần tốc tiến quân dọc theo Duyên hải miền Trung, đưa đội hình hành quân chiến đấu vào phía Đông Nam Sài Gòn. Với quyết tâm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Ðảng là giải phóng hoàn toàn miền Nam trong tháng 4/1975, đúng 5 giờ 30 phút, ngày 14/4/1975, lữ đoàn bắt đầu bắn dồn dập, mãnh liệt vào tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Cuộc chiến đấu trên tất cả các mũi, các hướng diễn ra quyết liệt, suốt ngày đêm để giằng co giữa ta và địch.

Đến ngày 16/4/1975, lữ đoàn tiến đánh, giải phóng các thị xã, thị trấn dọc theo trục Quốc lộ 1, tiếp đó lần lượt giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy. Với các chiến thắng này đã tập trung lực lượng cho trận quyết chiến cuối cùng, mở đường cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

a
Những ký ức về chiến thắng lịch sử 30/4 luôn hiển hiện trong tâm trí của những người lính năm xưa. (Ảnh: Internet)

Kể đến đây, mắt ông Vân sáng bừng lên khoe chiến tích suốt 84 ngày đêm chiến đấu dọc theo chiều dài từ quảng trị đến Sài Gòn, ông cùng chiến sĩ trong lữ đoàn đã tham gia 81 trận đánh, bắn phá 160 mục tiêu, pha hủy 10 khẩu pháo từ 105 đến 175 ly, bắt 300 tù binh, thu 14 khẩu pháo 155 ly.

Sau gần 10 năm cống hiến trong quân đội, năm 1981, ông Trần Thanh Vân xuất ngũ. Trở về địa phương, ông tiếp tục đóng góp sức mình tham gia xây dựng quê hương. Trải qua nhiều công việc như Bí thư chi bộ, Xóm trưởng và Thường vụ Cựu chiến binh thị trấn, ông đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển địa phương.

Trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Công Hoàn ở thôn 8, xã Phúc Sơn, những kỷ niệm về không khí quyết tâm giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ CHí Minh như vẫn còn vẹn nguyên.

Ông Nguyễn Công Anh luôn trân trọng những kỷ vật của lịch sử, máu và nước mắt một thời của ông
Ông Nguyễn Công Hoàn luôn trân trọng những kỷ vật của một thời lửa đạn.

Cựu chiến binh Nguyễn Công Hoàn nhớ lại: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng sâu sắc không bao giờ quên đó là thời gian tôi tham gia chiến đầu ở Sư đoàn 325, quân đoàn 2 với vai trò Đại đội trưởng. Vào 7 giờ ngày 26/4/1975, sư đoàn cùng với các sư đoàn khác trong Quân đoàn 2 bắt đầu tấn công trên mặt trận phía Đông và Đông Nam Sài Gòn. Chiều ngày 26/4, tất cả mục tiêu của địch ở phía vòng ngoài để bảo vệ nội đô Sài Gòn ở hướng Đông Nam đều bị Quân đoàn 2 tiêu diệt.

Sau khi chiếm được khu vực Nhơn Trạch, sáng sớm ngày 29/4, theo đúng kế hoạch đã định pháo 130mm của sư đoàn ông đã nã liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khống chế sân bay, không cho quân địch chạy thoát. Lúc này, sân bay Tân Sơn Nhất chìm ngập trong biển lửa, nhiều đoạn đường băng và máy bay của địch bị phá hỏng. Tiếng pháo của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 gầm vang khắp nội đô Sài Gòn khiến quân địch khiếp đảm.

Trong ngày 30/4/1975, Sư đoàn 325 có nhiệm vụ vượt phà Cát Lái đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Sài Gòn, Nhà Bè. Khi chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập được khống chế hoàn toàn, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc những năm tháng kháng chiến vẻ vang và oanh liệt của dân tộc. Miền Nam đã được giải phóng, đất nước đã thống nhất.

Từ chiến trường, ngoài những ký ức khốc liệt mà hào hùng của một thời lửa đạn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giờ đây kỷ vật ông Nguyễn Công Anh ở thôn 12, xã Phúc Sơn còn lưu giữ như những tấm hình đã phai màu, chiếc khăn quàng, bi đông, chiếc võng... lại trở thành vật chứng cho lịch sử. 

 

Cựu chiến binh Nguyễn Công Hoàn
Cựu chiến binh Nguyễn Công Anh chia sẻ ký ức về chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua những kỷ vật của mình.

Ông Anh tự hào kể: “Nhập ngũ đầu năm 1974, vào chiến trường ông tham gia chiến đấu ở lữ đoàn 316, hoạt động chủ yếu ở vùng đông Nam Bộ, đặc biệt là các huyện tiếp giáp với Sài Gòn. Vào thời điểm này, đơn vị đặc công của ông được tung vào chiến trường với mục tiêu cọ xát để từng bước tiến tới trận quyết chiến giữa Sài Gòn - Gia Định”.

Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, ông Nguyễn Công Anh có mặt trong đội hình của cánh quân phía Tây Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn và tiếp quản sân bay tân Sơn Nhất. Nói đến đây ông Anh xúc động: “Đại thắng mùa Xuân 1975 và giây phút lá cờ Tổ quốc bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày ấy sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức. Những năm tháng ấy trong trái tim của mỗi chúng tôi chỉ có tinh thần quyết chiến và tinh thần đồng đội, trung thành với Tổ quốc".

Sau thời gian tham gia quân ngũ, với phẩm chất người lính kiên cường cựu chiến binh Nguyễn Công Anh đã vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền với 30 năm cống hiến cho địa phương. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn tận tâm, tận lực và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đã 43 năm qua, những người lính Anh Sơn năm xưa từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, ký ức về một thời sống và chiến đấu làm nên chiến thắng lich sử 30/4 mãi mãi không bao giờ phai mờ. Dù mái tóc đã bạc, sức khỏe giảm sút, nhưng họ vẫn luôn là “pháo đài” kiên định trên mặt trận đấu tranh “Diễn biến hòa bình” trong thời kỳ mới; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.

Thái Hiền