Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhật Bản: Quyết liệt ứng cứu các lò hạt nhân

07:56, 17/03/2011
Nhật chuẩn bị nhờ quân đội Mỹ can thiệp sau khi diễn biến tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang rất khó kiểm soát.

 

Khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản đã trở nên trầm trọng hơn vào hôm qua sau khi toàn bộ chuyên gia và nhân viên phải rút khỏi Nhà máy Fukushima số 1 do lượng phóng xạ cao đến mức báo động, chỉ còn 50 người tình nguyện ở lại. Theo Reuters, lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy trên lần lượt bốc cháy sáng qua, giải phóng một lượng phóng xạ lớn trước khi lửa bị dập tắt.

 

 

 
Lò phản ứng số 3 và 4 hư hại sau vụ cháy hôm qua - Ảnh: AFP

 

Vào lúc toàn bộ nhân viên được yêu cầu di tản, lượng phóng xạ ở mức trên 1.000 millisivert/giờ, vượt ngưỡng gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, sau vài giờ, phóng xạ giảm xuống còn 600  - 800 millisievert/giờ. Nhóm 50 nhân viên ở lại đang nỗ lực làm nguội các lò phản ứng cũng như bơm nước liên tục vào các hồ chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở lò thứ 5 và 6, nơi nhiệt độ đang tăng lên.

 

 

Trước đó, giới chức an toàn công nghiệp và hạt nhân cho hay đến 70% thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 1 đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Con số này tại lò phản ứng số 2 là 33%. Lõi của cả hai lò đều bị cho là đã tan chảy một phần, theo Kyodo News.

 

Tuy nhiên, giới hữu trách vẫn chưa nắm rõ được mức độ thiệt hại tại Fukushima do không tiếp cận được khu vực bị cháy nổ. “Chúng tôi chưa biết được bản chất của thiệt hại là như thế nào”, Reuters dẫn lời Minoru Ohgoda, người phát ngôn của Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nói. Trong thời điểm này, Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết ưu tiên hiện nay là ứng cứu lò số 3, kế đến là lò số 4. TEPCO không giải thích thêm về sự nguy hiểm ở lò số 3, nhưng đây là lò duy nhất tại Nhà máy Fukushima số 1 sử dụng plutonium làm nhiên liệu trộn. Theo các chuyên gia, plutonium rất độc hại đối với người. Khi xâm nhập đường máu, chất này có thể tồn tại nhiều năm và dẫn đến ung thư.

 

Nhật cũng đã triển khai kế hoạch dùng trực thăng xả nước xuống lò số 3, nhưng giới chuyên gia cho rằng hành động này không tạo hiệu quả như mong đợi. Trong thực tế, trực thăng CH-47 không thể xả nước đúng ngay chỗ cần làm mát, nên phương án này bị hủy bỏ. Đài NHK hôm qua đưa tin cảnh sát cũng gửi vòi rồng dùng chống bạo động đến hỗ trợ đưa nước vào các lò phản ứng.

 

Chánh văn phòng nội các Yukio Edano cho biết chính phủ đã trao đổi với quân đội Mỹ về việc hỗ trợ làm nguội các lò phản ứng tại Fukushima. Trong khi đó, Hàn Quốc hôm qua thông báo kế hoạch gửi khẩn cấp a-xít boric, nguyên liệu làm nguội trong các phản ứng hạt nhân, cho Nhật Bản sau khi nhận được yêu cầu trợ giúp. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Seoul sẽ cho chuyển ngay hàng chục tấn nguyên liệu này đến Nhà máy Fukushima số 1.

 

Trong khi đó, khoảng 500 trung tâm ghép tủy tại châu Âu đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng để chữa trị bất cứ nạn nhân nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản.

 

Trong diễn biến mới nhất, giới hữu trách cũng phát hiện chất phóng xạ trong nước sinh hoạt của thành phố Fukushima, thuộc tỉnh Fukushima.

 

Tuy nhiên, mức độ chất phóng xạ còn thấp nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Giải thích về hiện tượng phát hiện có chất phóng xạ trong nước sinh hoạt của thành phố Fukushima, ông Edano cho biết sở dĩ một lượng nhỏ ngấm vào nước ăn là do nhà máy xả nước để hạ nhiệt lò phản ứng. Tuy nhiên, ông cho rằng hàm lượng chất này rất ít và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.

 

 

Số người thiệt mạng chính thức: 3.771  người 

 

Tối qua, Cảnh sát quốc gia Nhật Bản công bố con số cập nhật mới nhất về thương vong sau trận động đất 9 độ Richter và đợt sóng thần kinh hoàng hôm 11.3. Theo đó, số người chết được xác định là 3.771 người và còn 8.181  người mất tích.  Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 tỉ USD.

 

Sau một loạt quốc gia bày tỏ lo ngại về rủi ro từ việc phát triển năng lượng hạt nhân, Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 16.3 cho biết nước này đã ngừng phê chuẩn các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở nước này, theo TTXVN.